CĐV Trung Quốc dùng từ "nhục nhã" để nói về thảm bại hôm 5/9. "Đội tuyển Trung Quốc đối mặt sự khinh thường và phản ứng dữ dội trên mạng xã hội", bài viết trên Channel News Asia cho hay. "Người hâm mộ còn chế giễu tình trạng bóng đá của đất nước".
Trận thua ở sân Saitama, Nhật Bản trở thành chủ đề thịnh hành nhất trên Sina Weibo - mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc, tính đến chiều 6/9. "Đội tuyển quốc gia thua Nhật Bản 0-7" trở thành chủ đề nhận được 530 triệu lượt quan tâm, với nhiều bình luận gay gắt thu hút hàng chục nghì lượt thích.
"Họ nghĩ rằng thua hai bàn là đủ, nhưng lại tạo nên lịch sử với tỷ số 0-7", một tài khoản bình luận. Một người khác thì viết "bây giờ tôi đã hiểu tại sao Đài truyền hình trung ương CCTV không phát sóng trận đấu".
Những bình luận chỉ trích vẫn xuất hiện trong chủ đề thịnh hành nhất Weibo. Một tài khoản nói rằng vẫn chưa biết mặt thủ môn Nhật Bản sau trận đấu. Nhiều người khác kêu gọi giải tán đội tuyển, vì "không việc gì phải tốn nhiều tiền cho tập thể vô ích này".
Trước đây, Trung Quốc chỉ thua Nhật Bản cách biệt lớn nhất là hai bàn. Trận thua đậm gần nhất ở một giải chính thức, là 1-4 trước Iran vào năm 1997, thuộc vòng loại World Cup 1998. Đây cũng là trận thua đậm nhất của Trung Quốc sau 12 năm, kể từ thất bại 0-8 trước Brazil trong một trận giao hữu năm 2012.
Trung Quốc bước vào vòng loại ba World Cup 2026, với tư cách nhì bảng C vòng loại hai. Nhưng đội chỉ đi tiếp nhờ hơn hiệu số đối đầu so với Thái Lan, sau khi bằng điểm, hiệu số bàn thắng bại và số bàn thắng. Trong khi đó, Nhật Bản toàn thắng sáu trận, ghi 24 và không thủng lưới bàn nào.
Trên bảng thứ bậc FIFA, Nhật Bản đứng thứ 17, hơn Trung Quốc 71 bậc. Nhưng việc "những chiến binh samurai" thắng bảy bàn vẫn gây ngỡ ngàng. "Nhật Bản không chỉ là đội mạnh nhất châu Á, mà còn ở đẳng cấp thế giới", HLV Branko Ivankovic nói ở họp báo sau trận.
Nhà cầm quân người Croatia than thở đó là "đêm khó khăn nhất" trong sự nghiệp huấn luyện. Ông nhấn mạnh, đội tuyển đặc biệt tập trung vào phòng ngự trong quá trình chuẩn bị, nhưng vẫn để thủng lưới quá nhiều và một số bàn đáng lẽ không nên có.
Blogger thể thao nổi tiếng He Sheng, với hơn một triệu người theo dõi trên Weibo, đã đến Saitama xem trực tiếp trận đấu cùng con gái. Những gì đọng lại trong đầu anh là màn trình diễn rất tệ của các cầu thủ. "Không có gì để nói về trận này cả", He Sheng cho hay.
Trung Quốc được coi là nền thể thao mạnh thứ hai thế giới, sau Mỹ. Nhưng họ không thể tìm ra con đường phát triển môn thể thao vua, không thể hiện thực hoá tham vọng thành "siêu cường bóng đá toàn cầu" của Tổng bí thư Tập Cận Bình. Các CLB Trung Quốc từng có giai đoạn đổ nhiều tiền chiêu mộ các ngôi sao lớn đến Giải vô địch quốc gia, như Arab Saudi đang làm, nhưng hậu quả để lại một nền bóng đá thiếu chiều sâu trong công tác đào tạo trẻ.
Không những thế, nạn tham nhũng, đặc biệt ở Liên đoàn bóng đá Trung Quốc (CFA), khiến mọi thứ trì trệ. Năm 2023, cựu chủ tịch CFA Trần Tuất Nguyên bị kết án chung thân, vì tội nhận hối lộ, trong cuộc điều tra năm 2022. Một số nhân vật cấp cao, mà nổi bật là cựu HLV tuyển Trung Quốc Li Tie cũng bị bắt giữ.
Lần gần nhất và duy nhất Trung Quốc dự World Cup là 2002. Cựu đội trưởng ĐTQG Fan Zhiyi cho rằng, ở bối cảnh hiện nay thì lần thứ hai dự World Cup là điều không thể. Trận thảm bại trước Nhật Bản tối 5/9 chỉ khiến niềm tin của người hâm mộ càng bị xói mòn. "Cách họ thua là điều không thể chấp nhận được", Fan viết trên Weibo.
Tờ Oriental Sports Daily cho rằng bóng đá Trung Quốc đang chạm đáy. "Khi vị đắng lên đến cực hạn, tất cả những gì còn lại là sự tê liệt", bài báo có đoạn. Bên cạnh đó, tờ báo có trụ sở ở Thượng Hải gọi Ivankovic là HLV bất tài góp phần dẫn đến thảm bại.
Vòng loại ba World Cup 2026 mới kết thúc lượt đầu. Trung Quốc còn chín trận nữa để khôi phục lại niềm tin từ người hâm mộ. Nhưng mọi thứ không đơn giản, khi ở trận tiếp theo vào ngày 10/9, họ sẽ tiếp đón Arab Saudi – đội bóng cũng vừa bị chạm vào tự ái khi hoà Indonesia 1-1 trên sân nhà.
Trung Thu