Theo đó, ba ngày kể từ khi nhiễm virus, người bệnh sẽ phát triển triệu chứng, có kết quả dương tính trên kit thử và lây bệnh cho người khác. Khoảng thời gian này ngắn hơn so với 4 đến 6 ngày ở Delta và chủng nCoV ban đầu.
Nghiên cứu diễn ra trên cụm dịch 6 người ở Nebraska. Nguồn lây là ca nhiễm Omicron đầu tiên ở Mỹ vào ngày 1/12 - một người đàn ông 48 tuổi. Người này lây bệnh cho 5 thành viên khác trong gia đình, độ tuổi từ 11 đến 48. Chỉ một người được tiêm chủng đầy đủ, không ai có bệnh nền. Tất cả đều từng nhiễm nCoV năm 2020.
Theo báo cáo, các bệnh nhân đều có triệu chứng nhẹ, không nghiêm trọng như lần mắc bệnh đầu tiên vào năm ngoái. Các tác giả nghiên cứu viết: "Không rõ liệu biểu hiện lâm sàng khác nhau là kết quả của khả năng miễn dịch hiện có hay đặc điểm của Omicron. 5 ca tái nhiễm, trong đó một người đã tiêm chủng đầy đủ, có thể do miễn dịch suy giảm, khả năng biến chủng tránh né một phần kháng thể, hoặc cả hai".
Nghiên cứu trước đó ở Na Uy, diễn ra trên một cụm dịch tại tiệc Giáng sinh, cũng cho thấy thời gian ủ bệnh của Omicron là khoảng ba ngày. Hiện chưa rõ thời gian một F0 có thể lây lan virus cho người khác kéo dài trong bao lâu.
Omicron xuất hiện lần đầu tại Nam Phi hồi cuối tháng 11, hiện đã lây lan đến hơn 90 quốc gia toàn thế giới. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 28/12 cảnh báo nguy cơ tổng thể từ biến chủng vẫn rất cao. Theo WHO, tốc độ gia tăng ca nhiễm nhanh chóng do hai nguyên nhân: khả năng né tránh miễn dịch và tính chất dễ lây lan hơn của biến chủng.
Việt Nam ngày 28/12 cũng phát hiện ca nhiễm Omicron là một người về từ Anh. Bệnh nhân đang được cách ly tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Thục Linh (Theo NY Times)