Theo quan sát của CBRE, tại các tỉnh ven biển của Trung Quốc, Thái Lan, nhu cầu đầu tư khu công nghiệp tại đây luôn rất lớn đi kèm với tốc độ phát triển hạ tầng, xã hội. Không chỉ vậy, các thị trường này cũng duy trì được mức giá, tỷ lệ lấp đầy vượt trội.
Trong khi đó, hiện các tỉnh ven biển Việt Nam như Hải Phòng, Quảng Ninh... đang tận dụng các tiềm lực có sẵn để phát triển nền công nghiệp.
Hải Phòng là một trong những trung tâm công nghiệp lớn nhất Việt Nam với các dự án công nghiệp trọng điểm như DEEP C Hải Phòng II, III và các khu công nghiệp mới của Vinhomes. Tính đến quý III, địa phương này có mức lấp đầy trung bình khoảng 56%, còn nhiều quỹ đất cho việc phát triển các khu công nghiệp mới.
Với Quảng Ninh, tỉnh này dự kiến cung cấp thêm một lượng lớn quỹ đất công nghiệp trong tương lai, với hai khu kinh tế Quảng Yên và Vân Đồn, trong đó khu kinh tế ven biển Quảng Yên được định hướng trở thành động lực tăng trưởng mới thúc đẩy hút đầu tư cho Quảng Ninh.
Để thu hút đầu tư, Quảng Ninh đang ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến và chế tạo. Các nhà đầu tư thứ cấp sẽ được hỗ trợ chi phí đào tạo nghề ngắn hạn cho người lao động trong 2 năm đầu kể từ khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, hỗ trợ 50% chi phí đi lại khi tham gia chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư của tỉnh, giảm 15% chi phí quảng cáo trên cổng thông tin điện tử Quảng Ninh và website ban quản lý khu kinh tế.
Đối với các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, tỷ lệ tiền thuê đất được áp dụng ở mức thấp nhất trong 5 năm. Ngoài ra, các chủ đầu tư còn được hỗ trợ ứng trước 30% chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ 30% tổng mức đầu tư hệ thống xử lý nước thải khu công nghiệp (tối đa 30 tỷ đồng) sau khi đã hoàn thành xây dựng.
Quảng Ninh cũng đang tập trung phát triển cơ sở hạ tầng như hoàn thiện đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái nhằm giảm thiểu thời gian đi đến cửa khẩu Trung Quốc từ 2 giờ xuống còn 50 phút. Đoạn cao tốc này dự kiến hoàn thiện vào năm 2021. Hiện các tuyến cao tốc kết nối giữa Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và các cảng biển chính và sân bay quốc tế đều đã đi vào hoạt động.
Ngoài ra, báo cáo của CBRE cho biết, việc dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam đang bị gián đoạn vì bầu cử tổng thống Mỹ. Chính quyền Tổng thống đắc cử Biden có thể có những thay đổi mạnh về chính sách kinh tế như các đối sách với thương mại Trung Quốc và tái gia nhập CPTPP. Do đó, theo các trao đổi với một số các công ty quan tâm đến việc dịch chuyển sang Việt Nam, CBRE ghi nhận các nhà đầu tư đang chờ đợi để xác định chính sách của Mỹ dưới thời tân tổng thống để có các bước đi phù hợp.
Tính đến quý III, tổng diện tích đất của các khu công nghiệp tại 5 tỉnh thành phố công nghiệp chính miền Bắc bao gồm Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng đạt 13.800 ha, với 9.600 ha đất công nghiệp cho thuê. Tỷ lệ lấp đầy trung bình của khu công nghiệp duy trì ở mức tích cực 79%. Trong đó, các khu công nghiệp tại Hà Nội, Hải Dương và Bắc Ninh đạt tỷ lệ lấp đầy trung bình khoảng 90%.
Đối với thị trường miền Nam, tổng diện tích đất công nghiệp gấp đôi thị trường miền Bắc, đạt mức khoảng 38.000 ha trong đó 24.000 ha đất công nghiệp cho thuê bao gồm TP HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa -Vũng Tàu với mức tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt gần 77%. Tuy nhiên, CBRE ghi nhận nguồn cung đất công nghiệp sẵn sàng bàn giao ngay tại các khu công nghiệp tại cả hai miền đều trong tình trạng khan hiếm.
Phương Ánh