Chủ nhiệm hợp tác xã, ông Vladimir I. Pryzhenkov, cho biết trong hơn 1000 dặm vuông đất bị nhiễm xạ, mới chỉ 54 dặm được sử dụng lại trong nông nghiệp.
Đấy đã là một bước tiến đáng kể.
Tại làng Samotevichy, mức độ ô nhiễm rất cao nhưng dân làng vẫn cư ngụ bất chấp các nguy cơ về sức khỏe. |
Khoảnh đất 4.000 acre của nông trang là một trong những nơi bị nhiễm xạ nặng nhất trên trái đất, nó bị đầu độc bởi hậu quả của vụ nổ hạt nhân thảm khốc nhất lịch sử: vụ nổ lò phản ứng số 4 của nhà máy điện nguyên tử Chernobyl, xảy ra ngày 26/4/1986.
Một phần tư diện tích đất Belarus, kể cả những khu canh tác quan trọng nhất, hiện vẫn nhiễm xạ ở các mức độ khác nhau. Nông trang của ông Pryzhenkov đang thực hiện một phần nỗ lực của chính phủ đưa đất đai bị nhiễm trở lại canh tác.
Hợp tác xã không còn mang tên Karl Marx nữa nhưng vẫn thuộc sở hữu nhà nước. Nó được mở lại hai năm trước bằng nguồn đầu tư trị giá hàng triệu đôla cùng nhiều thiết bị máy móc do chính phủ của Tổng thống Aleksandr G. Lukashenko cấp.
Một năm trước khi hợp tác hoạt động lại, các trạm kiểm soát từng án ngữ lối vào khu vực cách Chernobyl chừng 230 km này đã được dỡ bỏ. Các hộ dân lần lượt trở về. Có một số người thậm chí chưa từng ra đi, bởi họ cần việc làm.
Ông Pryzhenkov được cử từ một hợp tác khác đến làm chủ nhiệm mới ở đây, một bước chuyển mà ông mô tả là sự "đề bạt". Ông bắt đầu nuôi ngựa và bò lấy thịt, chỉ thịt thôi chứ không lấy sữa. Sữa sản xuất tại đây có lẽ sẽ rất nguy hiểm cho người tiêu dùng.
Tấm biển báo ở Belarus: "Nhiễm xạ. Chỉ được sử dụng nấm và dâu sau khi đã kiểm tra độ nhiễm xạ". |
"Nơi đây đã tan tành cả", ông vừa nói vừa lái "con la già" UAZ đi trên những con đường đất đầy bụi. "Chẳng có gì mà làm ở đây".
Thảm họa Chernobyl gieo rắc chất phóng xạ đi khắp châu Âu, nhưng những quốc gia lân cận nhất - Nga, Ukraina và Belarus, khi đó là các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Chính quyền Xô viết ban bố một khu vực đặc biệt khẩn cấp trong phạm vi bán kính 35 dặm quanh lò phản ứng, vành đai này gần biên giới giữa Ukraina và Belarus. Khu này hiện vẫn đóng cửa, chỉ cho phép các nhân viên đặc biệt vào theo dõi mức ô nhiễm phóng xạ và một số ít ỏi những du khách tò mò.
Năm ngoái, Tổng thống Lukashenko, vốn xuất thân từ một chủ nhiệm hợp tác xã, tuyên bố đã đến lúc làm sống lại vùng đất bị ô nhiễm, đề ra quy hoạch xây dựng nhà ở và làng mạc, xây dựng công nghiệp và tái sinh việc trồng cấy. "Đất đai cần phục vụ tổ quốc", ông nói.
Bò nuôi lấy thịt của hợp tác xã. |
Mệnh lệnh của Lukashenko có thể gây sốc, sợ hãi và thậm chí là châm ngòi cho nhiều lời giễu cợt, nhưng một nghiên cứu khoa học do 7 cơ quan LHQ và Ngân hàng thế giới tiến hành được công bố hồi tháng trước đã phần nào đồng tình với ông.
Nghiên cứu kết luận rằng những ảnh hưởng tàn dư của tai họa Chernobyl với sức khỏe và môi trường không đáng sợ đến mức như người ta dự đoán trước đó. Văn bản này còn khuyến nghị chính phủ các nước Nga, Ukraina và Belarus từng bước khắc phục nỗi sợ hãi tâm lý mà Chernobyl gây ra nhằm khuyến khích đầu tư và tái thiết những vùng đất bị ảnh hưởng.
Kết luận của bản nghiên cứu làm dấy lên những lời tranh cãi. Tổ chức Hòa bình xanh coi đó là sự phủi tay rũ trách nhiệm. Ngay cả một thành viên của chính phủ Lukashenko, giám đốc ủy ban khoa học chuyên nghiên cứu về Chernobyl là ông Valery L. Gurachevsky, cũng nhận xét rằng bản nghiên cứu có những phần "quá lạc quan".
Nhưng ở đây, nơi những ngôi làng đang dần hoang phế, bản nghiên cứu nói trên được chào đón một cách hồ hởi. Gennadi V. Kruzhayev 38 tuổi, vừa mới vào làm việc cho hợp tác xã Karl Marx khi tai họa xảy ra. Từ đó đến nay anh cứ trôi dạt từ công việc này sang công việc khác. An lái taxi, bơm gas. Giờ đây, anh lái máy kéo và cày trên những thửa đất đen để chuẩn bị cho việc gieo hạt vào mùa xuân tới.
"Điều quan trọng", anh nói, "là có công ăn việc làm".
T. Huyền (theo NYT)