South China Moring Post dẫn lời ông He Dongxian, giáo sư của Đại học Nông nghiệp Trung Quốc, cho biết trong thí nghiệm được thực hiện ở Bắc Kinh nhiều tháng gần đây, các nhà nghiên cứu nhận thấy quá trình quang hợp ở nhiều loại cây giảm đáng kể. Trong khi đó, quang hợp là quá trình thúc đẩy trao đổi chất và phát triển ở thực vật.
Ông He cho hay, hạt giống ớt và cà chua thường phát triển thành cây con dưới điều kiện ánh sáng nhân tạo ở phòng thí nghiệm trong khoảng 20 ngày. Tuy nhiên, thời gian để chúng có thể nảy mầm trong một trang trại nhà kính ở quận Xương Bình, thủ đô Bắc Kinh, là khoảng hai tháng.
Khi không khí bị ô nhiễm, các chất ô nhiễm và hạt bụi sẽ bám vào bề mặt nhà kính, làm giảm ánh sáng tự nhiên xuống còn một nửa, khiến quá trình quang hợp diễn ra chậm hơn và khó khăn hơn. Hầu hết các loại cây trồng trong nhà kính đều yếu hoặc dễ mắc bệnh.
Theo Gao Tanggui, quản lý của công ty hạt giống Shinong ở Bắc Kinh, các trang trại của họ đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi khói bụi và sương mù do ô nhiễm không khí trong thời gian vừa qua. Các loại cây đều yếu và phát triển chậm hơn nhiều so với bình thường.
Để giải quyết tình trạng này, nhiều công ty đang thử nghiệm lắp đặt hệ thống ánh sáng nhân tạo. Tuy nhiên, đây là phương pháp khá tốn kém và không hiệu quả bằng ánh sáng tự nhiên. Một số trang trại khác áp dụng cách sử dụng hormone để kích thước tăng tưởng.
Nhóm nghiên cứu cảnh báo, tình trạng ô nhiễm và sương mù, khói bụi kéo dài hay có dấu hiệu tiếp tục duy trì với mức độ cao hơn trên diện rộng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động nuôi trồng và làm giảm sản lượng nông nghiệp. Nguồn cung cấp rau xanh chủ yếu ở Trung Quốc sẽ bị hạn chế.
Cảnh báo được đưa ra khi vấn đề ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí của Trung Quốc đã được nâng lên ở mức đáng báo động. Mới đây ô nhiễm không khí tại thủ đô Bắc Kinh lần đầu tiên được xếp vào nhóm báo động vàng, mức độ cao thứ hai trong hệ thống cảnh báo ô nhiễm 4 bậc.
Thùy Linh