Đối với nhiều người, hàng cây trong lòng phố có thể cũng giống như cây cối ở bất cứ đâu, nhưng trong ký ức của người dân, nhất là những ai hàng ngày đi qua con đường này, những gốc cây đã trở nên gần gũi như một con người. Những gốc xà cừ trên đường Nguyễn Trãi được trồng đã vài chục năm, đặc biệt to lớn, có những cây phải hai, ba người ôm mới xuể, che bóng mát rợp khắp cả con đường.
Những trưa mùa hè chói chang, người đi đường lại nép vào những bóng cây để tránh đi cái nóng khủng khiếp từ mặt đường bốc lên. Trời mưa nhẹ, người đi đường không cần mặc áo mưa, vì tàng cây giống như một chiếc ô lớn che chắn cho tất cả. Chính những hàng cây đã tạo ra một lá phổi xanh cho thành phố, làm nên sự khác biệt của con đường Nguyễn Trãi với những con đường khác ở khu vực xung quanh.
Đường Nguyễn Trãi còn là một vườn chim khổng lồ nhờ hai hàng cây cổ thụ này. Mỗi chiều hè, vào giờ tan tầm, chim chóc lại tụ về kiếm mồi, làm tổ và cư trú trong những tán cây xà cừ. Tôi từng mong ước sao Thủ đô sẽ đầu tư bảo vệ và phát triển cộng đồng này để tạo thành một cảnh quan mới của thành phố mang tên Vì hòa bình. Nhưng có thể mong ước đó trong tương lai sẽ không còn cơ hội thành hiện thực nữa.
Những hàng cây này cũng ngày ngày chứng kiến biết bao điều trong đời sống của người Hà Nội. Có những đêm đông lạnh, tôi thấy những người vô gia cư, hoặc vài anh bảo vệ tụ lại bên một gốc cây, đốt một đống lửa nhỏ sưởi ấm. Những người bán hàng rong, quà vặt luôn chọn bóng cây làm nơi bày hàng chào đón khách đi đường. Gốc cây còn là chỗ uống nước trà, cắt tóc, chơi cờ, tán gẫu… mà chắc hẳn khi cây không còn, người ta sẽ chẳng bao giờ ra lại nơi ấy nữa. Hàng cây bị đốn hạ, tôi cũng như bao người Hà Nội khác, đã cảm thấy một nỗi trống vắng không nói nên lời.
Nhưng cùng với sự tiếc nuối, người dân cũng có thêm niềm hy vọng. Theo thời gian, tạo hóa xoay vần, cái cũ lại nhường chỗ cho cái mới. Hàng cây nằm xuống, công trình xây lên. Người Hà Nội cũng mang nhiều mong ước tốt đẹp gửi gắm vào tuyến đường sắt trên cao, một biểu tượng của sự phát triển và hiện đại hóa. Họ cũng hiểu quy luật tất yếu của sự phát triển, không thể cứ tiếc nhớ mãi những kỷ niệm để rồi không hướng tới tương lai thịnh vượng hơn, tốt đẹp hơn.
Trong lúc này, nếu có một mong ước, thì người Hà Nội có lẽ sẽ mong sao các nhà quy hoạch cố gắng hết sức mình để bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn những nét đẹp văn hóa của Thủ đô. Chứng kiến những cái nhìn xót xa của người qua đường, tôi tự nhủ nếu phải có một “đường cong mềm mại” để tránh được những hàng cây này, chắc người dân Hà Nội sẽ đồng tình ủng hộ với phương án đi đường vòng như thế.
Một lần nữa, xin cảm ơn những gốc cây sừng sững bao năm qua chở che và làm phong phú cho đời sống nơi đây. Xin cảm ơn những ai đã trồng nên những hàng cây, cho cuộc đời thêm bóng mát. Mong sao, Thủ đô sẽ lại trồng thêm mới nhiều hàng cây, và những công trình mới sẽ thực sự mang lại nhiều lợi ích, và cũng trở thành một người bạn mới của nhân dân, giống như bao nhiêu hàng cây thân thương trong lòng thành phố sống động này.
Chu Ngọc Cường