Cây thế kỷ (cây thùa) là dạng cây mọng nước, sống lâu năm, lá nhọn, có nhiều răng cưa. Theo khuyến cáo trên trang Homeguides, nhựa của cây này khá độc, có thể gây kích ứng da nghiêm trọng hoặc các vấn đề về tiêu hóa. Tuy nhiên, nếu có biện pháp phòng ngừa thích hợp, bạn vẫn có thể sử dụng chúng một cách an toàn trong vườn nhà và tận hưởng vẻ đẹp quanh năm của nó.
Khi trồng trong môi trường tự nhiên, cây thế kỷ có thể cao 2-4 m, với tán lá màu xanh gần giống như hoa huệ. Khi cây trưởng thành có thể ra hoa màu vàng tươi sáng thu hút chim, ruồi và những loài côn trùng đến lấy mật hoa mà không bị ảnh hưởng bởi nhựa cây. Tuy nhiên, vật nuôi và kể cả con người tiếp xúc với nhựa cây này có thể bị ngộ độc.
Nguồn chất độc
Trong thành phần cây thế kỷ có tinh thể calcium oxalate, nó sản sinh ra một hợp chất gọi là saponin. Saponin cũng tìm thấy trong nhiều họ thực vật, với một số biển thể rất độc, có thể gây kích ứng da nghiêm trọng nếu ăn phải. Ngoài ra, nếu người hoặc động vật vô tình hấp thụ saponin vào cơ thể sẽ rất khó tiêu hóa.
Triệu chứng khi tiếp xúc với nhựa cây thế kỷ
Triệu chứng thông thường khi tiếp xúc với nhựa cây thế kỷ là nổi phát ban, rát và ngứa da, tổn thương vùng mắt, kéo dài trong 24 đến 48 giờ. Các cạnh gai của lá kim rất sắc chứa nhựa có thể đâm thủng da, thậm chí có thể gây bệnh nếu không được điều trị đúng cách. Bên cạnh đó nếu ăn phải bộ phận nào đó của cây thế kỷ, người và động vật có thể bị nôn mửa hoặc tiêu chảy.
Phòng chống và điều trị ngộ độc
Khi tiếp xúc với cây thế kỷ, phải đeo kính bảo hộ, đeo găng tay, mặc áo dài tay, quần dài và giặt quần áo ngay sau đó. Khi cắt tỉa, nên sử dụng cưa thật dài.
Nếu bạn bị gai của cây thế kỷ đâm vào da, hãy nhổ gai ra ngay lập tức rồi rửa sạch vết thương với xà bông và nước. Sau đó lau khô bằng vải sạch, dùng thuốc kháng sinh và băng vết thương bằng băng gạc. Nếu các triệu chứng xảy ra không đáng kể thì không cần đến bệnh viện. Nếu thấy không thuyên giảm, hãy đến bệnh viện để được bác sĩ tư vấn điều trị đúng cách.
Thi Trân