![]() |
Các bộ phận khác của sen cũng có thể làm thuốc: 1. Tâm sen: Là chồi mầm màu xanh ở giữa hạt, gọi là liên tử tâm; vị rất đắng, có tác dụng an thần nhẹ. Dùng chữa sốt và khát nước, di mộng tinh, tim đập nhanh, tăng huyết áp, hồi hộp hoảng hốt, mất ngủ. Ngày dùng 1,5-3 g. 2. Gương sen: Là đế hoa hình nón ngược, đã lấy hết quả, gọi là liên phòng, có tác dụng tiêu ứ, cầm máu. Dùng chữa các bệnh chảy máu: chảy máu tử cung, băng huyết, đại, tiểu tiện ra máu, đau bụng dưới do ứ huyết. Ngày dùng 10-15 g. 3. Tua nhị sen: Là chỉ nhị của hoa sen đã bỏ phần nhị (hạt gạo), gọi là liên tu. Tua nhị sen có nhiều tanin, vị chát, tính ấm, dùng để chữa băng huyết, thổ huyết, di mộng tinh, trĩ, bạch đới, đái dầm, đái nhiều. Ngày dùng 3-10 g. 4. Lá sen: Gọi là hà diệp, vị đắng, tính bình, có tác dụng hạ huyết áp, an thần, tán ứ, chỉ huyết. Lá sen chữa say nắng kèm theo bụng phiền, miệng khát, họng khô, đái ít mà đỏ: - Trị thổ tả: Lá sen tươi 20 g giã nhỏ, ép lấy nước, thêm 1 chén nước nguội vào bã rồi ép lấy nước; trộn 2 thứ nước để uống. - Chữa các chứng xuất huyết: Lá sen tươi 80 g, trắc bách diệp tươi 20 g, lá ngải tươi 24 g, sinh địa 40 g. Tất cả giã vụn, ngâm vào nước hoặc sắc lấy nước uống. Trị thổ huyết do táo nhiệt. Còn để chữa viêm ruột, chảy máu dạ dày và các chứng chảy máu khác, mỗi ngày dùng 5-12 g. - Chữa béo phì: Lá sen tươi hoặc khô 1 lá, thái ngắn, hãm hoặc đun với 400-500 ml nước trong 10-20 phút; mỗi sáng uống 1 ấm. 5. Ngó sen (ngẫu tiết): Vị ngọt chát, tính bình, có tác dụng cầm máu, tráng dương, an thần: - Trị nôn ra máu: Ngó sen 20 g, cuống sen 12 g, sắc nước uống. - Trị đái dắt ra máu: Ngó sen tươi 40 g, huyết dư thán 10 g, sắc uống. - Nôn ra máu hoặc lao phổi ho ra máu: Ngó sen 20 g, cỏ nhọ nồi 20 g, bạch cập 16 g, trắc bách diệp tươi 16 g. Tất cả phơi khô hoặc sấy ở nhiệt độ thấp, nghiền thành bột mịn, thêm nước làm hoàn, mỗi hoàn 10 g. Ngày uống 3 viên với nước sôi để nguội. TS Nguyễn Đức Quang, Sức Khoẻ & Đời Sống |