Đây không phải lần đầu nữ nhân viên văn phòng 25 tuổi ở quận Tân Bình, TP HCM xem phim đến sáng. "Xem một tập thì bứt rứt bởi các diễn biến trong phim dở dang, gây tò mò nên tôi cố xem. Nhiều lần hết phim cũng đến giờ đi làm", An kể.
Khánh An là mê phim từ thời đi học. Ngày mới đi làm, cô thường lựa chọn xem phim ngắn, dài tối đa một tiếng trước lúc đi ngủ để giải tỏa căng thẳng. Nhưng hết phim lẻ, An chuyển sang phim bộ, mỗi phim 12-80 tập khiến thời lượng xem ngày càng dài. Thay vì ngủ trước 23h, hiện mỗi ngày cô đều ngủ lúc 3-4h, dù biết ngủ muộn không tốt.
Duy Trung (20 tuổi) ở Hà Nội cũng hình thành thói quen xem phim đến rạng sáng sau thời gian học trực tuyến vì dịch. Thói quen này tiếp tục được duy trì khi cuộc sống trở lại bình thường. Dù đi học trở lại nhưng anh vẫn thường xuyên xem phim quá nửa đêm bởi không quen ngủ sớm.
"Cố ép bản thân tắt máy tính hoặc điện thoại trước 12h đêm cũng chẳng ngủ được lại nằm trằn trọc, nên tôi thà xem phim còn hơn", anh giải thích.
Không chỉ người độc thân, Thu Trang (32 tuổi) ở Thanh Hóa cũng dành từ nửa đêm đến rạng sáng để xem phim, sau khi dọn dẹp nhà cửa và dỗ con trai 2 tuổi ngủ. Bà mẹ một con cho rằng việc chiếm dụng thời gian ngủ để xem phim là "giải pháp bất đắc dĩ" bởi cả ngày đã làm việc và chăm sóc gia đình.
"Tùy độ dài của từng bộ phim, tôi sẽ ngủ lúc 2h hoặc muộn hơn, miễn sao bản thân cảm thấy thoải mái", Trang nói.
Thói quen thức khuya, thậm chí xuyên đêm để xem phim không mới ở nhiều người trẻ, được đặt tên là "cày phim". Thống kê của Adsota (thuộc Appota) cho biết người Việt dành trung bình 6 giờ 47 phút mỗi ngày để lên mạng. Khi kết nối Internet, 97,6% cho biết họ xem video, 61,2% người xem vlog. Trong một khảo sát khác, có 71% người dùng Internet cho biết có xem video trực tuyến hàng ngày.
Trên toàn quốc, thị trường phim trực tuyến ngày càng sôi động. Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết đến hết năm 2021, thị trường truyền hình trả tiền đạt gần 9.200 tỷ đồng với gần 16,7 triệu thuê bao. Số liệu thống kê 6 tháng đầu năm 2022 cho thấy doanh thu tăng trưởng 14% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, báo cáo Digital Media Report Video on Demand của Statista công bố năm 2022 cho thấy, trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 2 chỉ sau Indonesia về doanh thu từ dịch vụ VoD (Video On Demand - video theo yêu cầu cho phép người dùng chọn và xem video trên các thiết bị có kết nối Internet) đạt 187,4 triệu USD.
Bên cạnh sự phát triển của thị trường phim trực tuyến, số người chi tiền cho các thiết bị có tính năng cao cấp để lướt web, chơi game, xem phim cũng có xu hướng tăng. Thống kê năm 2021 của GFK cho thấy người Việt đang ưu tiên chọn thiết bị có tính năng cao cấp, đặc biệt là smartphone. Năm 2017, trung bình một người chi khoảng 257 USD cho điện thoại thì đến năm 2022 đã tăng 292 USD.
Thạc sĩ Lê Anh Tú, giảng viên khoa Quan hệ công chúng Truyền thông, trường Đại học Văn Lang (TP HCM) cho rằng những số liệu này phần nào chứng minh trào lưu "cày phim" ngày càng trở nên phổ biến.
Có bốn nguyên nhân chính của hiện tượng này. Một là nhu cầu xem phim giải tỏa căng thẳng tại nhà tăng khi nhiều người phải làm việc từ xa và duy trì đến hiện tại. Hai là sự phát triển của các thiết bị thông minh, mạng Internet giá rẻ giúp người xem dễ dàng tiếp cận các nội dung giải trí mong muốn. Ba là nội dung phim ngày càng hay và chất lượng trong khi người Việt không có nhiều hình thức giải trí, chăm sóc đời sống tinh thần. Cuối cùng là nhu cầu được hội nhập với nền văn hóa thế giới thông qua phim ảnh của người Việt.
Ngày càng nhiều người lạm dụng thời gian nghỉ ngơi cho việc xem phim gây ra những hệ lụy cho bản thân và xã hội. Bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc kiêm Trưởng khoa Lâm sàng Bệnh biện Tâm thần Ban ngày Mai Hương (Hà Nội), cho biết trước đây thiếu ngủ, ngủ không ngon giấc thường chỉ có ở người lớn tuổi thì nay tấn công mạnh vào nhóm người trẻ.
Thói quen này khiến mắt làm việc quá mức, liên tục phải tiếp xúc với ánh sáng xanh (của màn hình thiết bị điện tử), cơ thể mệt mỏi, buồn ngủ ban ngày, khó tập trung, ảnh hưởng đến hiệu suất lao động cũng học tập. Đáng chú ý, nghiên cứu thực hiện tại Đại học Texas của Mỹ năm 2015, chỉ ra xem phim quá lâu có thể dẫn đến trầm cảm, cô đơn, béo phì và rối loạn nội tiết tố.
Duy Trung thừa nhận thường xuyên xem phim suốt đêm khiến nhịp sinh học thay đổi. Trước dịch, nam sinh xây dựng thói quen ngủ trước 23h, còn nay lại ngủ lúc 3-4h sáng. Lịch trình học từ 6h30 khiến Trung luôn trong tình trạng mệt mỏi, uể oải, không thể tập trung nghe giảng. Bên cạnh đó, việc xem phim kết hợp với ăn khuya khiến cân nặng của anh tăng lên 7 kg so với trước năm 2020. "Tôi biết ăn đêm là không tốt nhưng chỉ xem 'chay' thì không còn thú vị", anh nói.
Còn với Khánh An, việc "cày" phim xuyên đêm khiến không ít lần cô đi làm muộn, cả ngày uể oải, tối đến buộc phải tăng ca để giải quyết công việc tồn đọng. "Tôi luôn dặn lòng phải đi ngủ sớm nhưng rất khó để thực hiện", cô gái 27 tuổi than.
Người Việt "đói ngủ" là thực tế. Tháng 9/2019, hãng nghiên cứu thị trường Wakefield Research công bố kết quả khảo sát ở 8 quốc gia, ghi nhận 37% người trẻ Việt mất ngủ. Đáng chú ý, 79% người tham gia khảo sát nói không có thời gian nghỉ ngơi mỗi ngày và trung bình mỗi nhân viên văn phòng dành 10 ngày một năm chỉ để ngủ bù.
Bên cạnh đó, thiếu ngủ còn gây nguy hiểm đến tính mạng. Thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia năm 2019 cho thấy số vụ tai nạn liên quan đến giấc ngủ chiếm đến 30% tổng số vụ trong một năm, cướp đi sinh mạng của 6.400 người và gây thiệt hại 109 tỷ USD, không bao gồm thiệt hại tài sản.
Lê Thu (29 tuổi) ở Hà Nội từng là "mọt" phim chính hiệu khi liên tục xem phim đến 2-3h, thức dậy đi làm lúc 6h. "Mỗi đêm tôi xem ít nhất 4-5 tập phim bởi càng xem càng tỉnh", Thu nói. Mọi thứ chỉ trở nên tồi tệ khi cơn buồn ngủ kéo đến, cơ thể mệt mỏi, không thể tập trung lúc đi làm. Không ít lần nữ nhân viên bị sếp nhắc nhở vì ngủ gật hay lơ đãng trong giờ họp.
Việc thức khuya xem phim và ăn đêm không kiểm soát cũng khiến Thu bị đau dạ dày, tăng cân, rối loạn nhịp sinh học và thường xuyên đau nhức nửa đầu. Buộc cô phải nhờ sự can thiệp của bác sĩ.
Gần đây, cô gái 29 tuổi tự xây dựng thời gian biểu khoa học. Thay vì xem phim suốt đêm Thu chỉ dành tối thứ 7 để thưởng thức các bộ phim dài và ngủ bù vào ngày chủ nhật. Riêng các tối trong tuần cô xem phim ngắn, thời lượng tối đa một tiếng để dễ dàng tắt máy điện thoại đi ngủ.
"Tôi coi xem phim là liều thuốc tinh thần, giúp bản thân vui vẻ, thoải mái, nhưng cũng không quên đặt giới hạn, tránh để ảnh hưởng đến sức khỏe và công việc", cô gái 29 tuổi nói.
Quỳnh Nguyễn