Cầy mangut nhảy lên cao lôi rắn xuống đất. Video: National Geographic.
Delia Bronkhorst chứng kiến con cầy mangut nhảy lên và cắn một con rắn dài hơn nó gấp nhiều lần đang treo mình trên cây khi ghé thăm công viên quốc gia Kruger, Nam Phi, hồi tháng 6, theo National Geographic. Video của Bronkhorst cho thấy con rắn mắc vào cành cây với phần đầu treo ngược xuống đất. Cầy mangut nhiều lần liên tục ngoạm cổ kéo rắn xuống, khiến đầu rắn chảy máu.
Theo Bronkhorst, sự việc kéo dài gần 5 phút, lâu tới mức cô ngừng quay phim và cho rằng cầy mangut không thể kéo con mồi xuống đất thành công. Khi Bronkhorst và mẹ cô chuẩn bị lái xe đi, con rắn rơi xuống.
Tuy nhiên, hai mẹ con Bronkhorst không thể trông thấy hành động tiếp theo của cầy mangut. Cỏ mọc quá cao và họ không được phép đổi hướng đi. Nhưng họ tin chắc cầy mangut đã ăn thịt con mồi. "Đó là cảnh tượng thật khó tin. Chúng thực sự là những con vật nhỏ đáng sợ", Bronkhorst nói.
Khi các nhân viên ở Kruger chia sẻ đoạn video trên kênh YouTube của công viên, họ viết cầy mangut đánh đu con rắn như thể đang nô đùa với nó. "Tôi cho là cầy mangut rõ ràng đang cố săn rắn. Phần lớn các loài cầy mangut giết và ăn thịt rắn, vì vậy đó không phải là điều gì bất thường", Jennifer Sanderson, giáo sư ở Đại học Exeter, Anh, từng nghiên cứu cầy mangut nhiều năm, chia sẻ.
Kathleen Alexander, giáo sư ở Viện công nghệ Virginia kiêm nhà thám hiểm National Geographic, cũng chung ý kiến. Theo Alexander, con cầy mangut trong video của Bronkhorst là giống Selous, thường đi săn đơn độc và con rắn bị cắn chết là rắn mamba đen có độc. Những loài cầy mangut khác đi săn theo bầy và thậm chí tự phòng vệ trước kẻ thù bằng cách tụ lại với nhau.
Rắn mamba đen có thể được tìm thấy trên cây và cầy mangut bạo gan thường xuyên săn loài rắn nguy hiểm này bằng cách trèo theo sau chúng. Nhiều khả năng con rắn trong video đã bị cầy mangut giết chết trên cây trước khi nó bắt đầu nỗ lực kéo xác rắn xuống đất.
Dù rắn mamba đen nổi tiếng là loài cực độc, cầy mangut luôn chiếm thế thượng phong trong những cuộc đụng độ. Cầy mangut sở hữu tế bào đột biến có thể ngăn chặn chất độc thần kinh của rắn mamba đen xâm nhập vào mạch máu, giúp chúng sống sót trước vết cắn của rắn.
Phương Hoa