Những ngày qua, hàng nghìn lượt khách thập phương từ TP HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai... lũ lượt kéo về thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) để tận mắt nhìn và chụp ảnh với cây mai vàng khoảng 50 tuổi nở vàng ươm hiếm thấy.
Do cây nằm ven đường Ngô Quyền, trung tâm của thị trấn nên lượng người đi qua ghé thăm những ngày đầu xuân đông nghẹt. Để phục vụ du khách tham quan, chủ nhà cũng đầu tư gần trăm triệu đồng mở quán cà phê nhỏ mang tên "Cây mai" trước hiên nhà.
Cây mai cao 5 m, tán rộng 5 m, được phủ một thảm vàng óng ánh từ cánh mai với đường kính chừng 10 m khiến du khách trầm trồ, thích thú. Không chỉ có những bạn trẻ, nhiều người già, bậc trung niên cũng dẫn theo gia đình đến chụp ảnh kỷ niệm bên cây mai khủng.
Cụ Ba (72 tuổi) cho biết, cây mai được gia đình mua từ khi còn trồng trong chậu nhỏ nhằm chơi Tết. "Khi đó, nhà nào có cây mai như vậy là quý lắm. Sau này, cây lớn thì con trai tôi đưa ra rẫy cà phê trước nhà trồng cho đến nay", cụ Ba nhớ lại.
Ông Trần Công Thạnh (52 tuổi), con trai lớn của cụ Ba chính là người tự tay trồng và chăm sóc cây mai hàng chục qua. Chỉ là một thương lái buôn trái cây nhỏ, không rành chơi bonsai nhưng với cây mai khủng của gia đình thì ông biết đến từng căn bệnh, triệu chứng và thời gian nở hoa của nó.
Ông kể, cây mai có nguồn gốc từ Huế, khác với những mai thông thường, cội mai này có hai lớp hoa, nở theo chùm, mỗi hoa có từ 7 đến 12 cánh. Do được trồng trên vùng đất đỏ bazan nên cây phát triển tốt, ít khi ông can thiệp uốn nắn, chặt ép thế.
Do cây mai thế tán rộng, cành và gốc đều đẹp nên việc bảo vệ trong những ngày Tết đối với gia đình ông Thạnh vô cùng vất vả. "Ngày trước cũng có đôi lần bị chặt trộm vài nhánh nhưng 10 năm nay thì không còn, vì đến Tết gia đình đều cử người bảo vệ kỹ càng. Mấy ngày Tết là gia đình mất ngủ, phải thức canh mai", ông Thạnh nói và cho biết cảm thấy vui vì mỗi năm có hàng nghìn người đến "xông đất".
Chủ nhân cây mai tiết lộ, để hoa luôn nở rộ vàng ươm đúng dịp Tết, bí quyết giữ ẩm và thời gian ngắt lá rất quan trọng. "Mùa mưa cây luôn được tưới tự nhiên nên giữ ẩm tốt. Qua đầu mùa khô thì mình phải tưới nước đều đặn ba ngày một lần để giữ gốc luôn có độ ẩm nhất định, tránh tình trạng hễ gần Tết gặp mưa trái mùa là hoa nở sớm", ông Thạnh bật mí.
Ngoài ra, tùy theo sức khỏe của cây, ông Thạnh sẽ chăm bón, giúp cây có sức đề kháng và nở nụ đúng thời gian mong muốn. "Cứ đến rằm tháng Chạp là tôi lặt lá, theo dõi đến ngày giáp Tết mà thấy dấu hiệu bất thường về nụ hay hoa là can thiệp ngay. Có nhiều năm trời lạnh, cây nở chậm thì mình phải bón phân kali để ép cây nóng lên, bung hoa đúng sáng mùng 1 Tết", ông Thạnh tiết lộ.
Để có hình ảnh cây mai to, tán lá rộng, hoa phủ kín vàng rực như những năm gần đây, khâu ngắt lá được xem là quan trọng và tốn nhiều công sức nhất đối với gia đình ông Thạnh. Ông phải thuê gần 10 nhân công làm việc trong vòng 2 đến 3 ngày tùy theo tình hình thời tiết. Người được thuê phải có kinh nghiệm và kỹ thuật đối với cây mai, họ phải dùng thang bốn chân ngắt lá xung quanh hết mới đến ngọn. "Cây cành nhỏ, muốn lặt ngọn phải trèo lên hết sức cẩn thận, nếu gãy bất kỳ cành nào đó cũng sẽ khuyết, cây mai sẽ xấu ngay", ông Thạnh chia sẻ.
Theo chủ nhà, nhiều năm qua rất nhiều người đến đề cập mua lại cây mai với rất nhiều giá, có lúc đến 2 tỷ đồng nhưng gia đình kiên quyết không bán. "Cây mai gắn bó với ông bà, ba mẹ, anh chị em tôi từ những ngày khai hoang lập nghiệp ở đây. Dù có khó khăn chúng tôi cũng không bán. Nên hễ có người đề cập mua là chúng tôi từ chối thẳng thừng, bất kể họ trả giá khủng", một người cháu, thế hệ thứ ba lớn lên cùng cây mai trong gia đình cụ Ba, nói.
Phước Tuấn