Mức 4 USD mà Apple đưa ra chưa bao gồm phí vận chuyển. Một người dùng trên diễn đàn Reddit cho biết đã thử đặt mua công cụ này và chuyển tới Akron, Ohio. Tổng số tiền người này phải trả là 13 USD (280.000 đồng), trong đó phí vận chuyển là 9 USD. Apple chỉ cho phép người dùng mua một cây chọc sim mỗi lần.
Việc cho thuê và bán công cụ, linh kiện trong chương trình tự sửa iPhone do bên thứ ba đảm nhận, nhưng mức giá Apple đưa ra cho cây lấy sim đã gây tranh cãi trên mạng xã hội. Trên một số diễn đàn như Reddit, nhiều thành viên bình luận hài hước về mức giá đắt đỏ của sản phẩm vốn được tặng kèm khi mua điện thoại. Tài khoản thisxisxlife đùa rằng anh đang chờ đợi phiên bản Pro cho cây chọc sim, thay vì mua bản tiêu chuẩn như hiện nay.
Tài khoản Arron Zollo cho biết Apple có hai phiên bản cây lấy sim. Trong đó, chiếc có hình tròn giống ghim kẹp giấy dành cho iPhone SE, còn bản bán lẻ và được đóng gói kèm những mẫu iPhone khác được làm phẳng và đẹp hơn. Trên Twitter, tài khoản arj123 cho rằng sản phẩm có giá 4 USD vì "được thiết kế bởi Apple tại Cupertino, California".
Nhiều người dùng Việt Nam bình luận trên Facebook rằng có một số giải pháp giá rẻ hoặc miễn phí và thân thiện với môi trường hơn là sử dụng tăm hoặc ghim kẹp giấy. Trên các trang thương mại điện tử trong nước, cây chọc sim được bán với giá từ 1.000 đồng. Trước Apple, Bkav từng bán que chọc sim với giá 10.000 đồng nhưng hiện đã ngừng phân phối sản phẩm này.
Theo các trang công nghệ, Apple đưa ra mức giá trên là do chi phí về bán hàng nhiều hơn là chi phí sản xuất. Trước đó, hãng cũng gây tranh cãi khi bán khăn lau màn hình với giá 19 USD (hơn 400.000 đồng).
Chương trình tự sửa chữa iPhone được Apple triển khai từ 27/4 tại Mỹ và sẽ dần mở rộng sang các thị trường khác. Hiện người dùng có thể thay pin, màn hình và camera cho iPhone SE, iPhone 12 và iPhone 13 series. Để thực hiện, Apple cho thuê bộ công cụ chuyên dụng với giá 49 USD trong một tuần, hoặc người dùng có thể mua lẻ từng công cụ, phụ kiện.
Huy Đức