Pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về việc thu hoạch hoa lợi (hoa lợi là sản vật tự nhiên mà tài sản mang lại) khi cây ăn quả vươn sang bất động sản liền kề. Tuy nhiên, khoản 2 Điều 175 Bộ luật dân sự 2015 quy định:
Người sử dụng đất được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới của thửa đất phù hợp với quy định của pháp luật và không được làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của người khác.
Người sử dụng đất chỉ được trồng cây và làm các việc khác trong khuôn viên đất thuộc quyền sử dụng của mình và theo ranh giới đã được xác định; nếu rễ cây, cành cây vượt quá ranh giới thì phải xén rễ, cắt, tỉa cành phần vượt quá, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Điều 176 Bộ luật dân sự quy định về mốc giới ngăn cách các bất động sản theo đó đối với cây là mốc giới chung, các bên đều có nghĩa vụ bảo vệ; hoa lợi thu được từ cây được chia đều, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Từ những quy định nêu trên, nếu cây ăn quả đó là mốc giới ngăn cách giữa nhà bạn và nhà hàng xóm thì hoa lợi được chia đôi, bạn có quyền thu hoạch một nửa số hoa lợi đó.
Trường hợp cây ăn quả đó không phải là mốc giới ngăn cách giữa hai nhà thì bạn không có quyền thu hoạch hoa lợi bên phần đất nhà bạn bởi đây không phải là một trong các căn cứ xác lập quyền sử hữu được quy định tại Điều 221 Bộ luật dân sự.
Do đó bạn chỉ có quyền yêu cầu bên kia chặt, tỉa phần cành cây sang nhà bạn theo quy định của pháp luật. Nếu bên kia không thực hiện là vi phạm khoản 2 Điều 175 Bộ luật dân sự, đây là căn cứ phát sinh nghĩa vụ được quy định tại Điều 275 Bộ luật dân sự, đồng thời là căn cứ phát sinh quyền dân sự được quy định tại Điều 8 Bộ luật dân sự.
Trường hợp này bạn có quyền chặt, tỉa hoặc thuê người chặt tỉa phần cành cây đã sang bên nhà bạn và yêu cầu phía bên kia thanh toán mọi chi phí liên quan đến phần đó.
Luật sư Đỗ Trọng Linh
Công ty luật Bảo An, Hà Nội