Ước muốn đem lại nụ cười cho bệnh nhân
Tiến sĩ, bác sĩ Võ Văn Nhân hiện là Giám đốc Trung tâm nha khoa Nhân Tâm, đồng thời là bác sĩ trực tiếp tư vấn và điều trị các ca cấy ghép răng implant. Để trở thành chuyên gia trong lĩnh vực cấy ghép răng implant, ông đã trải qua quá trình dài không ngừng học hỏi và phấn đấu.
Tốt nghiệp chuyên ngành Răng hàm mặt loại giỏi năm 1997, đến năm 2001, ông được tuyển thẳng chương trình đào tạo thạc sĩ, bác sĩ nội trú và tiếp tục nghiên cứu, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ vào năm 2014. Ông từng là giảng viên Implant ở nhiều trường đại học, báo cáo viên của nhiều hội nghị implant trong nước.
Sau đó, bác sĩ Nhân còn trải qua chương trình đào tạo 2 năm về phẫu thuật nha khoa và cấy ghép Implant do giảng viên Đại học Marseille (Pháp) giảng dạy. Năm 2012, ông tốt nghiệp Master Implant Đại học UCLA Mỹ.
Sau nhiều nỗ lực, Tiến sĩ Nhân liên tục đạt các giải thưởng nha khoa, trong đó có giải nhì Poster tại Hội nghị Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 15 được tổ chức tại Việt Nam. Năm 2011, tại Hội nghị cấy ghép nha khoa lần thứ nhất, ông tiếp tục đạt giải nhì Poster với đề tài “Lấy xương mào chậu, nâng xoang ghép xương và phục hình bắt vit trên Implant”.
Với 20 năm kinh nghiệm, ông là chuyên gia trong lĩnh vực cấy ghép implant, phẫu thuật ghép xương, ghép nướu, phục hình trên implant và răng sứ thẩm mỹ. Ông trở thành báo cáo viên quốc tế về lĩnh vực miệng-hàm-mặt, từng được mời tham dự các hội nghị lớn trên thế giới về lĩnh vực răng hàm mặt.
Ông chia sẻ: “Niềm vui của bác sĩ nha khoa là có thể nhìn bệnh nhân tự tin nở nụ cười rạng rỡ, được ăn ngon, vậy là hạnh phúc”. Hơn hai thập niên trong nghề, ông miệt mài đem lại nụ cười cho người khác - đó cũng là đam mê của ông từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường. Với hai bệnh nhân không răng bẩm sinh từng được bác sĩ Võ Văn Nhân trồng răng implant thành công năm 2016, có được hàm răng chắc khỏe và thẩm mỹ là giấc mơ ngoài mong đợi của họ.
Thực hiện cấy ghép implant cho người không răng
Tiến sĩ Võ Văn Nhân là bác sĩ Việt Nam đầu tiên trồng răng implant thành công cho bệnh nhân không răng bẩm sinh. Việc phải thực hiện song hành hai kỹ thuật lâm sàng phức tạp là dời dây thần kinh hàm dưới và cấy implant xương gò má hàm trên trên cùng một bệnh nhân là một thử thách lớn. Trong đó, kỹ thuật dời dây thần kinh để cấy ghép implant mới chỉ được thực hiện ở một số nước có nền y tế phát triển.
Bệnh nhân Kim (30 tuổi, quê Hà Nội) không có đầy đủ răng, các răng đã mọc có hình cọc, yếu. Chị phải đeo răng giả từ khi 14 tuổi khiến xương hàm trên và hàm dưới bị tiêu trầm trọng sát đáy xoang hàm, thậm chí còn lộ dây thần kinh. Để giải quyết trường hợp này, Tiến sĩ Nhân đã phẫu thuật dời dây thần kinh hàm dưới và cấy ghép implant xương gò má để trồng răng hai hàm cho bệnh nhân.
Trường hợp thứ hai là bệnh nhân Lý (23 tuổi, Đồng Nai). Lý không có răng bẩm sinh, phải đeo hàm giả từ năm 10 tuổi. Sau nhiều năm chạy chữa khắp nơi, chị và gia đình không còn hy vọng sở hữu nụ cười bình thường như bao người. Chỉ đến khi gặp bác sĩ Nhân, mơ ước ấy mới được thắp sáng.
Đối với trường hợp này, Tiến sĩ Nhân đã áp dụng song hành hai kỹ thuật dời dây thần kinh hàm dưới và cấy ghép implant xương gò má cải tiến mới có thể trồng răng cho bệnh nhân. Đây là một trong những dạng nghiêm trọng của hội chứng loạn sản ngoại bì, rất hiếm gặp với tỷ lệ 1/100 000 người mắc phải.
Trước đó, bệnh nhân từng chia sẻ với bác sĩ Nhân: "Ngoài việc phải đeo hàm răng giả lỏng lẻo trong miệng, phải thay hàm giả nhiều lần, luôn bị đau đớn vì hàm giả di động trong miệng... thì bất hạnh lớn nhất của cháu là chưa từng có một bữa ăn ngon đúng nghĩa".
Sau ca phẫu thuật phức tạp, bác sĩ Nhân hạnh phúc khi có thể đem lại cho bệnh nhân hàm răng chắc khỏe, chức năng ăn nhai và thẩm mỹ ổn định. Người bệnh được thay đổi chất lượng cuộc sống, tự tin cười rạng rỡ và có những bữa ăn đúng nghĩa.
Công trình cấy ghép răng implant cho bệnh nhân không răng bẩm sinh của Tiến sĩ Võ Văn Nhân tạo ra bước tiến mới trong ngành implant nha khoa, mở ra cơ hội cho hàng nghìn bệnh nhân mất răng lâu năm bị tiêu xương hàm trầm trọng và cả những người kém may mắn bị thiếu răng hoặc không răng bẩm sinh.