Tôi chưa bao giờ có ý định xem "Cây đời". Đó chỉ là cách để làm vừa lòng mẹ. Nhưng tôi đã nhầm. Hơn 2 giờ đồng hồ của bộ phim là 2 giờ tôi thực sự mất hết khái niệm về hiện tại. Nó đã choán lấy từng nơ ron của bộ não 14 tuổi này.
Thượng đế tạo ra thế giới - đó là những gì ta biết. Và ta cũng biết rằng vạn vật đều được hình thành từ những vụ nổ sao tân tinh. Những ngôi sao nổ, bụi sao, cuồn cuộn, dữ dội. Vạn vật sinh ra từ hỗn mang, vô định, từ cát bụi.
7 ngày để Ngài tạo ra thế giới, và "Cây đời" đã nắm bắt, miêu tả lại 7 ngày ấy bằng những hình ảnh dữ dội, choáng ngợp trên nền một bản Opera cũng choáng ngợp, dữ dội như thế. Tôi đã run rẩy trước những thước phim ấy...
Nham thạch phun trào - sự biến đổi của cái bất biến. Chẳng có gì là bất biến, kể cả đức tin - nhất là đức tin... Lạc lối, lạc giữa ký ức, lạc giữa dòng đời, đức tin chỉ đường cho ta.... Vệt sáng hiện lên giữa khuôn hình tối tăm.
"Các xơ nói người tốt sẽ không gặp kết cục xấu". Vậy thì vì sao nó lại phải ra đi khi mới 19 tuổi? Hãy trả lời con hỡi Chúa trời! Có lẽ đó là những gì Người Mẹ đã nghĩ trong nỗi đau khổ tột cùng vì mất con.
Nỗi đau, sự bất hạnh đã làm lung lay đức tin của một con người kính Chúa. "Con không biết tên của người... Người ở đâu?" Hãy cứ nghi ngờ đi, nhưng dù ngờ vực đến mấy thì đức tin vẫn còn đó và ta vẫn phải tin.
Vì tất cả chúng ta chỉ là người thôi. Và con người thì luôn cần được cứu rỗi, mà Chúa lại cứu rỗi những linh hồn lạc lối. Vì Ngài yêu chúng ta. Chúa là tình yêu thương. Ta phải biết yêu thương - đó là những gì bộ phim nói với tôi.
Vì khi cuộc đời về cuối thì ở lại với ta chỉ còn tình yêu thương. "...Nếu không biết yêu thương thì đời chỉ như ngọn gió...".
Với tôi, "Cây đời" là một bản thánh ca về đức tin và tình yêu thương. Bộ phim kết thúc để lại những câu hỏi chưa lời đáp. Tôi còn trẻ, nhưng tôi sẽ sống để trả lời những câu hỏi đó với trái tim của mình. Nhưng bộ phim đã cho tôi nhiều câu trả lời. Và hơn hết tôi đã thấy nghệ thuật chân chính vẫn tồn tại.
Lê Hà Thu