Gần 14h, cơn giông lốc mạnh kéo dài hơn một giờ làm hai cây me khoảng 20 năm tuổi nằm gần nhau trên đường Nguyễn Du, phường Bến Thành, đổ xuống vỉa hè. Tán cây lớn cùng nhiều nhánh đè nhiều xe máy của phòng khám đậu gần đó làm hư hỏng đèn và dàn áo.
Ông Hùng, bảo vệ phòng khám, nói khi đang ngồi bên trong để trú mưa cây đổ xuống rất nhanh dù trước đó vẫn xanh tốt, ra hoa. "Bình thường tôi ngồi ở dưới gốc cây trông xe. Chiều nay trời mưa, tôi vào văn phòng trú mới tránh được sự cố", ông Hùng nói, cho biết cây ngã về phía vỉa hè nên không trúng người đi đường. Trước khi cây đổ, một người đàn ông vừa cầm dù đi qua phòng khám.
Cảnh sát đã phong tỏa đoạn đường khoảng 200 m xử lý hiện trường. Nhân viên công ty cây xanh đến cắt gọn để di dời, phát hiện rễ cây dấu hiệu mục ruỗng.
Theo Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TP HCM), thành phố có hơn 200.000 cây xanh trồng ở khoảng 1.200 tuyến đường, trong đó hơn 8.000 cây lâu năm, nhiều chủng loại, kích thước lớn. Những cây này thường trồng dọc đường trung tâm, công viên, trường học, công sở, tiềm ẩn nguy cơ gãy đổ.
Hôm 9/8, nhánh cây cổ thụ ở công viên Tao Đàn, quận 1, bất ngờ gãy, rơi xuống nhóm đang tập thể dục, hai người chết, ba bị thương. Gần đây nhất, trận giông lốc ngày 4/9 quật ngã gần 70 cây, đè lên nhà, ôtô và xe máy. Một nhánh dầu trên đường An Dương Vương, quận 5, rơi đè người phụ nữ chạy xe ở dưới tử vong.
Từ đầu năm đến nay, Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật đã đốn hạ gần 2.800 cây hư hại, mất an toàn. Ngoài ra, hơn 150.000 cây cũng được tỉa nhánh, cắt thấp giảm độ nặng từ tán lá hạn chế sự cố.
Nam Bộ và TP HCM đang chịu ảnh hưởng gió mùa tây nam hoạt động mạnh nên đã có mưa lớn, giông lốc trong nhiều ngày qua. Hôm nay, khu vực thành phố và các tỉnh lân cận vẫn có mưa giông do ảnh hưởng vùng áp thấp suy yếu từ cơn bão ở khu vực Trung Trung Bộ. Từ 21/9, mưa sẽ giảm dần.
Đình Văn