Bà Mai Thị Nguyệt (69 tuổi) ở thôn 6, xã Bình Lâm, huyện Hiệp Đức, Quảng Nam là chủ sở hữu cây dó bầu có tuổi đời gần 100 năm.
Sau chiến tranh, vợ chồng bà Nguyệt đến xã Bình Lâm khai hoang lập nghiệp đã nhìn thấy cây dó bầu "to bằng bắp chân"
Năm 1990, cơn sốt trầm hương nở rộ, ông bà mới phát hiện ra đấy là cây gỗ quý, thương lái khắp nơi tìm về hỏi mua, trả 85 triệu đồng nhưng bà Nguyệt không bán mà "để dành cho con cháu".
Vợ chồng bà Nguyệt có bảy người con, sống bằng nghề nông lâm nghiệp nên chẳng mấy dư dả. Vì đã quyết để cây gỗ quý lại cho con cháu, những năm tháng người chồng lâm trọng bệnh, hai vợ chồng chịu khó làm ăn, vay mượn ngân hàng mà không hề nghĩ đến chuyện bán cây.
Anh Nguyễn Súy (44 tuổi) người con thứ ba của bà Nguyệt cho biết gần đây có nhiều người ở ngoài Bắc vào trả 400 triệu đồng để "bứng" nguyên cây, nhưng gia đình chưa đồng ý. "Mấy anh em đã thống nhất, nếu ai ra giá 500 triệu sẽ bán, số tiền đó làm nhà thờ, phần còn lại để mẹ phụng dưỡng tuổi già", anh Súy nói.
Cây dó bầu có thân đoạn lớn nhất đường kính gần 1 m, tán rộng 20 m, ước tính nặng 2,5 tấn. "Theo giá bán 250.000 đồng/kg hiện nay, cây dó bầu có giá hơn 600 triệu đồng", anh Súy nói. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Tiến (một thương lái buôn trầm hương ở TP Tam Kỳ, Quảng Nam), cách đây 5 năm, bà đã đến xem cây dó bầu này và thấy trầm hương tự nhiên trên cây ít nên không ngã giá. "Hai năm trước, có người đã định giá 200 triệu, nếu mua về để làm cây cổ thụ chơi thì được, còn để lấy trầm không thể có giá 500 triệu đồng”, bà Tiến nói.
Sơn Thủy