Cây trôi này thuộc họ muỗm, quéo, là loại cây một thân; nằm trong khuôn viên của trường Trung học cơ sở Nguyệt Đức. Từ bao đời nay nó vẫn đứng sừng sững, tỏa bóng mát và xanh quanh năm.
![]() |
Cây xanh tốt quanh năm, mùa hè có quả to bằng cái chén. Ảnh: Phương Lam. |
Điều đặc biệt là cây bị rỗng trong lòng từ đỉnh xuống tận gốc, nhưng xung quanh thì cành lá vẫn mọc ra tua tủa, sức sống mãnh liệt vô cùng. Hốc cây to đến nỗi vài ba người có thể chui vào giữa và nhìn thông lên đỉnh cây.
Cụ Nguyễn Ngọc Am, nguyên là Trưởng ban tuyên giáo Huyện Ủy huyện Thuận Thành, cho biết: “Cây trôi có tự bao giờ, có từ đâu cả làng xã không ai biết. Các cụ bô lão trong làng cũng chỉ truyền lại cho nhau rằng 'sinh ra đã thấy cây to như thế rồi', có lẽ nó trôi từ phương nào tới nên được gọi là cây trôi".
Trước đây, khu vực xung quanh cây trôi là một quần thể tháp rộng 16 mẫu, xung quanh là chùa Tổ, chùa Non cùng với hơn chục cây trôi cũng to lắm. Khi thực dân Pháp xâm lược, vì sợ chúng lấy làm căn cứ nên người dân thực hiện chủ trương tiêu thủ kháng chiến, phá chùa chiền đi. Sau này khi xã xây dựng ủy ban và làm trường thì phá hết cây trôi nhỏ và để lại duy nhất một cây trôi lớn chính là cây trôi bây giờ.
![]() |
Giữa đỉnh cây trôi có một cây đa, rễ đâm thẳng xuống đất như một thanh sắt. Ảnh: Phương Lam. |
Ở giữa đỉnh cây còn có một cây đa nhỏ mà rễ của nó như một thanh sắt đâm thẳng xuống đất. "Ngày xưa, có nhiều người từng trèo lên đỉnh cây và thấy ở giữa những cành cây đều có một vũng nước như cái ao và có nhiều cây mọc lên. Rễ cây rất to, trước kia đất chưa được đổ vào gốc thì nó giống như những bức tường cao vọi, người ta trèo từ bên nọ qua bên kia mà cũng thấy khó khăn", cụ Am kể.
Ông Nguyễn Văn San, Chủ tịch UBND xã Nguyệt Đức cho biết qua nghiên cứu và khảo sát thì cây trôi này đã được khoảng gần 2.000 tuổi, cao 25 mét, chu vi thân gốc là 9 mét. Tháng 10/2011, cây được công nhận là “Cây di sản” của Việt Nam.
Ngày nay, dân làng có dịp vẫn tới gốc cây cúng bái. Về điều này, cụ Am cho biết: “Tương truyền, công chúa của vua Hùng thứ 18 bị cha đuổi khỏi cung đã soi mình trong giếng ngọc ở khu vực chùa Non này rồi sinh ra 3 người con. Cái giếng ấy hiện nay vẫn còn trong khuôn viên trường học. Khi biết nàng sinh được 3 người con thì vua Hùng đã đón về và sau này hai trong số ba người con ấy đã 'hóa' tại cầu Gáy, chiếc cầu nối từ xã Nguyệt Đức sang huyện Văn Lâm, Hưng Yên. Có lẽ vì thế mà các cụ truyền lại rằng cây trôi linh thiêng lắm. Trước đây, cứ mỗi khi một tán cây phía nào hơi vàng là năm đó thôn ấy có nhiều người chết, đến khi lá xanh lại thì coi như dân làng ấy hết hạn. Nếu nhìn cây đúng hướng sẽ hình dung tán cây như mâm xôi với con gà trống, tượng trưng cho một điều gì đó rất linh thiêng. Thế nên mọi người cũng bảo nhau thờ cúng, tâm niệm để mong gặp điều tốt lành”.
![]() |
Thân cây rỗng từ gốc lên đỉnh, nhiều người có thể đứng được ở bên trong. Ảnh: Phương Lam. |
Anh Tạ Huy Hoằng, một người dân thôn Kim Tháp, kể: “Cũng không biết ai nói đầu tiên, nhưng mọi người truyền tai nhau rằng, cây trôi chính là cổng trời vì nó rỗng giữa và người có thể chui vào trong được. Cây hội tụ mọi tinh hoa của trời đất, che chở, bảo vệ, chắn mưa gió bão bùng để nhân dân có được cuộc sống êm ấm, yên ổn làm ăn. Mọi người sinh ra và chết đi ai cũng phải đi qua nơi ấy để lên thiên đình, hay cũng phải đi qua đó để xuống địa ngục. Cũng từ đó mà cây trôi được gọi là cây trôi trời”.
“Từ lâu, hình tượng cây trôi trời đã trở thành biểu tượng của xã và được in trên nhiều tờ báo, tạp chí của Đảng bộ xã. Có nhiều nhà thơ, nhà văn cũng đã in sách và lấy hình ảnh cây trôi làm bìa. Giờ đây, cây trôi trời là niềm tự hào của cả xã”, ông San chia sẻ thêm.
Phương Lam