Có thể nói 2013 là năm của “phim nhảm” thống trị màn ảnh Việt. Những bộ phim hời hợt về nội dung, cẩu thả về diễn xuất, nghiệp dư về hình ảnh, tràn ngập các rạp chiếu phim. Nhưng lạ kỳ thay, phim càng nhảm thì càng đem về doanh thu khủng cho nhà sản xuất. Người xem lại đổ xô đến rạp, đạo diễn, hãng phim lại đua nhau hốt bạc, và nền điện ảnh nước nhà lại càng cách xa thế giới.
Nhiều đạo diễn, chuyên gia điện ảnh cũng phải đau xót thừa nhận vấn nạn này đang hủy hoại nền điện ảnh Việt Nam. Nhưng cũng không thể trách các nhà làm phim được, khi mà càng đầu tư công phu, nội dung càng trau chuốt thì doanh thu lại sụt giảm, thậm chí còn bị cấm chiếu.
Nhà làm phim, trước hết, họ là đơn vị kinh doanh, lợi nhuận luôn là yếu tố sống còn, nói nôm na theo kiểu “có thực mới vực được đạo”. Vậy nhiều phim nhảm ra đời trước hết lỗi thuộc về khán giả, họ đã chi tiền mua vé để ủng hộ những sản phẩm điện ảnh rẻ tiền, vậy mới hiểu tại sao các nhà làm phim lại thích làm phim nhảm đến vậy.
Một bộ phận không nhỏ khán giả ngày nay đến rạp chỉ với mục đích duy nhất là được chọc cười, những phim hài theo kiểu “cù” khán giả lại khiến người xem khoái trá.
Tất nhiên, không phải ai tới rạp cũng biết mình sắp phải xem phim thảm họa. Bằng chứng là một khán giả sau khi đi xem phim "Tèo Em" về đã phải thốt lên: “Có những màn thì cười ngặt nghẽo. Nhìn chung là tiền không tiếc nhưng chỉ hối hận vì đã mất thời gian coi một bộ phim tạp nham như vậy”.
Hóa ra trong số khán giả xem những bộ phim Việt nhảm nhí, không phải ai cũng cảm thấy hài lòng khi ra về. Họ đến rạp một phần do tính hiếu kỳ, do sự nổi tiếng của đạo diễn, diễn viên. Nhưng họ nhận được gì: cảm giác ấm ức, cay đắng vì bị lừa, và trên hết là cảm giác thất vọng cho nền điện ảnh nước nhà.
Chúng ta suốt ngày so bì, rằng nền điện ảnh Hàn Quốc, Trung Quốc đã vượt xa chúng ta hàng thập kỷ, nhưng lại chấp nhận những sản phẩm điện ảnh rẻ tiền đó. Nếu khán giả quay lưng, quyết tâm nói không với những bộ phim như vậy thì có hãng phim nào dám “cả gan” sản xuất không?
Việt Nam chắc chắn không thiếu biên kịch, đạo diễn, diễn viên giỏi, vấn đề là họ không làm mà thôi. Nhiều đạo diễn "thảm họa" bây giờ đã từng có những bộ phim gây tiếng vang.
Khi nói tới đây, nhiều người sẽ chép miệng, ừ, thì tại dân trí thấp nên nó vậy. Nhưng cũng không hoàn toàn đúng. Toàn trí thức, sinh viên mới có điều kiện đi xem phim ở rạp, chứ nông dân, dân lao động ăn còn chưa đủ thì lấy đâu ra tiền cả trăm nghìn mua một cái vé?
Nhiều người lấy lý do đi xem phim Việt Nam vì muốn ủng hộ cho nền điện ảnh nước nhà. Thực ra điện ảnh nước nhà cần những sản phẩm chất lượng, sản phẩm xứng tầm quốc tế chứ không phải mấy bộ phim “Mâm xôi vàng” như vậy.
Có chăng lỗi là do thị hiếu thẩm mỹ chưa cao. Chẳng lẽ phải chờ vài thập kỷ nữa, để hy vọng con cháu chúng ta sẽ nhận thức được điều này hay sao?
>> Xem thêm: Danh sách những phim 'thảm họa' bậc nhất 2013.
Thạch Lam
Chia sẻ bài viết của bạn về đời sống, giải trí tại đây.