Nhiều chuyên gia biết rằng thực vật trong phòng thí nghiệm sản xuất một dạng thuốc giảm đau có tên methyl salicylate, nhưng họ chưa bao giờ phát hiện chúng ngoài thiên nhiên.
Các nhà khoa học của Trung tâm nghiên cứu khí quyển quốc gia Mỹ vô tình phát hiện ra rằng cây cối có thể sản xuất ra những hóa chất có tác dụng tương tự thuốc giảm đau khi họ lắp đặt những thiết bị đo hóa chất trong một khu rừng óc chó gần thành phố Davis, bang California, Mỹ để theo dõi những khí thải gây ô nhiễm môi trường mà cây thải ra. Tất cả thiết bị đều cách mặt đất hơn 30 m. Kết quả cho thấy methyl salicylate chiếm tỷ trọng khá lớn trong bầu không khí phía trên các ngọn cây.
Các nhà khoa học cho rằng việc tiết ra hóa chất giảm đau có thể là một trong những cách mà hệ miễn dịch của thực vật phản ứng để bảo vệ chúng.
Cây cối tiết ra hóa chất giảm đau khi đối mặt với các hiện tượng thời tiết bất lợi hoặc bị đe dọa. Ảnh: corbis.com. |
Theo các nhà nghiên cứu, phát hiện trên mở ra một viễn cảnh mà trong đó nông dân, người trồng rừng có thể theo dõi những dấu hiệu về bệnh tật ở cây cối trước khi chúng phát tác. Hiện tại họ không thể biết một hệ sinh thái có khỏe mạnh hay không cho đến khi những hiện tượng bất thường xuất hiện, chẳng hạn như lá rụng hàng loạt.
"Khác với con người, thực vật có khả năng sản xuất hỗn hợp giảm đau gồm nhiều hóa chất, kích thích sự hình thành của một số protein nhất định. Những protein này giúp làm tăng khả năng phòng vệ sinh hóa của cây và giảm đau đớn. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, khi xảy ra hạn hán, tăng giảm nhiệt độ bất thường hay những hiện tượng tiêu cực khác, những hóa chất giảm đau xuất hiện trong không khí ở phía trên cây", Thomas Karl, trưởng nhóm nghiên cứu, phát biểu.
Theo Thomas, ngoài tác dụng giảm đau, những hóa chất này còn đóng vai trò là phương tiện liên lạc của thực vật, giúp chúng gửi thông điệp cảnh báo về những mối đe dọa tới những cây lân cận.
Một số nghiên cứu trước đây chứng minh rằng những cây bị động vật ăn luôn tiết ra những hóa chất mà những cây gần đó có thể cảm nhận.
Việt Linh (theo AP)