Theo SCMP, người đàn ông họ Liu đã trải qua buổi cấy ghép chip vào não kéo dài năm phút tại Bệnh viện Não Hồ Nam (Trung Quốc) giữa tháng 4. Đây là một phần của dự án thử nghiệm lâm sàng do ông Hao Wei, cựu phó chủ tịch Ủy ban Kiểm soát Ma Túy Quốc tế thuộc Liên hợp quốc, đứng đầu.
Ông Wei là chuyên gia trong lĩnh vực liên quan đến lạm dụng chất gây nghiện tại Bệnh viện Xiangya và cho biết chip có khả năng ức chế chứng nghiện rượu trong năm tháng. Sau khi cấy ghép, thiết bị này giải phóng naltrexone, chất thường được sử dụng trong điều trị và ngăn tình trạng tái nghiện. Ngoài ra, cơ thể sẽ hấp thụ naltrexone và đưa vào các thụ thể trong não.
Ông Liu đã nghiện rượu 15 năm qua và xu hướng trở nên bạo lực. "Bất cứ khi nào không có rượu bên cạnh, tôi lại thấy rất lo lắng", ông nói. Theo Xiaoxiang Herald, ông Liu hy vọng có thể tận hưởng cuộc sống "không rượu chè".
Tình trạng nghiện rượu trở nên trầm trọng trong 5 năm qua, khiến cuộc sống và các mối quan hệ của ông tan vỡ. "Tôi nhiều lần cố gắng cai nhưng lần nào cũng thất bại", ông Liu cho hay.
Trên thế giới, nhiều người đang cấy chip vào cơ thể cho mục đích khác nhau. Ví dụ, Patrick Paumen, nhân viên an ninh tại Hà Lan, bắt đầu cấy vi xử lý dưới da từ 2019 và hiện đã cấy tổng cộng 32 chip dùng công nghệ NFC, phục vụ cho các mục đích như mở cửa, hút nam châm, thanh toán không chạm tại quầy thu ngân...
Có nhiều ý kiến cho rằng cấy chip lên cơ thể sẽ trở thành một trong những tiêu chuẩn phổ biến trong tương lai, giúp đơn giản hóa nhiều mặt trong cuộc sống. Chúng không được kết nối Internet và không chứa pin, cũng không thu phát dữ liệu trừ khi nằm ngay cạnh những đầu đọc có khả năng giải mã tín hiệu.
Minh Hoàng (theo SCMP)