Những cây cầu tồn tại ở đủ hình dạng và kích thước, từ cầu treo dài nhất thế giới nối châu Âu và châu Á, tới cây cầu đan từ bộ rễ sống ở Ấn Độ. Tuy nhiên, cầu Đan Dương - Côn Sơn ở Trung Quốc đồng thời giữ cả hai danh hiệu cầu dài nhất và cầu dài thứ hai trên thế giới, theo IFL Science.
Là một phần trên tuyến đường sắt cao tốc Bắc Kinh - Thượng Hải, cầu Đan Dương - Côn Sơn ở Trung Quốc nối liền Thượng Hải và Nam Kinh, tạo thành cây cầu dài nhất thế giới. Thành tựu kỹ thuật này trải dài 164,8 km và chạy qua nhiều cánh đồng, sông hồ và thậm chí thành phố. Chạy song song với sông Trường Giang từ cửa sông ở Thượng Hải, cây cầu có độ cao trung bình 100 m nhưng do được thiết kế để tàu thuyền chạy qua bên dưới, một số khu vực của cầu có khoảng cách từ mặt nước đến cầu là 150 m.
Do chiều dài và chênh lệch địa hình khác nhau bên dưới cầu, nó vừa là cầu cạn vừa là cầu cáp treo ở từng đoạn. Cầu cạn là những cây cầu được đỡ bởi hàng loạt trụ tháp hoặc vòm bên dưới, trong khi cầu cáp treo sử dụng dây cáp chịu lực căng chạy theo đường chéo từ trụ tháp phía trên cầu. Cầu Đan Dương - Côn Sơn dài đến mức một đoạn của cầu gọi là cầu cạn Lang Phường - Thanh Huyện thậm chí được coi như cầu dài thứ hai trên thế giới với chiều dài 114 km.
Việc hoàn thành cầu Đan Dương - Côn Sơn vào năm 2011, chỉ 4 năm sau khi khởi công xây dựng, biến đổi di chuyển đường sắt trong khu vực thông qua giảm hành trình 4,5 giờ từ Ninh Ba tới Gia Hưng xuống 2 giờ.
Với chi phí xây dựng lên đến 8,5 tỷ USD, tức 1 triệu USD/km2, toàn bộ cây cầu được làm từ khoảng vài trăm nghìn tấn thép và đỡ bởi 11.500 trụ bê tông. Chỉ riêng đoạn tàu chạy qua hồ Dương Trừng ở Tô Châu đã sử dụng 2.000 cột trụ. Dù quá trình thi công tương đối gấp rút, câu cầu còn được thiết kế để chịu hàng loạt thiên tai ảnh hưởng tới khu vực như động đất và mưa bão cũng như cú đâm trực diện cỡ 300.000 tấn từ tàu hải quân. Tuổi thọ ước tính của cầu là hơn 100 năm.
An Khang (Theo IFL Science)