Giá khởi điểm của cây minima này chỉ 1 NZD (0,68 USD). Người bán sống ở Auckland mô tả cây này "rất hiếm" với "bốn chiếc lá có sắc vàng". Cây được trồng trong chậu nhựa đường kính 14 cm, hiện đã về với chủ mới ở Hibiscus, phía bắc Auckland.

Cây minima có bốn lá hai màu được bán với giá gần 5.500 USD. Ảnh:
Đối với cộng đồng yêu cây, cây đột biến với những chiếc lá nhiều màu rất quý giá. Tại Australia, Canada và Mỹ, một cành trầu bà lá xẻ đột biến thường được bán với giá hàng trăm USD. Đầu tháng 8, một cây cẩm cù (hoya) đột biến ở New Zealand cũng được trả 6.500 NZD (hơn 4.300 USD).
Cây trồng trong nhà ngày càng phổ biến với giới trẻ phương Tây. Tại New Zealand, mỗi tuần, có hàng chục nghìn người tham gia đấu giá cây trên mạng. Ruby Topzand, phát ngôn viên của Trade Me cho biết so với năm 2015, doanh số bán cây trồng trong nhà của trang này tăng gấp 25 lần.
"Trong bảy ngày gần nhất, chúng tôi ghi nhận hơn 1.600 lượt tìm kiếm cây minima. Tuy nhiên, chúng vẫn thua xa cẩm cù với hơn 65.000 lượt tìm kiếm", Topzand nói. "Cẩm cù là loại cây được ưa thích nhất, tiếp đến là trầu bà lá xẻ, sen đá và lưỡi hổ".
Tại Anh, công ty kinh doanh cây cảnh Patch cho biết 12 tháng qua, có tới 67% người London mua cây trồng trong nhà. Đặc biệt, số khách từ 25 đến 34 tuổi tăng 10%.
Theo các chuyên gia, dịch vụ bán cây trồng trong nhà bùng nổ ở phương Tây do sự phát triển đô thị hóa, xu hướng nội thất và mong muốn được nuôi dưỡng, chăm sóc thứ gì đó của giới trẻ.
Trả lời phỏng vấn tờ Guardian năm ngoái, nhà văn Alice Vincent nhận định trồng cây trong nhà là cách giúp những người trẻ nhút nhát sống có trách nhiệm hơn.
"Trưởng thành chậm hơn không có nghĩa là chúng tôi không muốn kết nối hay nuôi dưỡng thứ gì đó", nữ nhà văn chia sẻ.
Thu Nguyệt (Theo Guardian)