Việt Nam sẽ tiến hành thử nghiệm trồng ngô biến đổi gene trên diện rộng. Ảnh minh họa: : coextra.eu. |
Clive James, Chủ tịch quốc tế về tiếp thu các ứng dụng về công nghệ biến đổi gene trong nông nghiệp (ISAAA) cho biết tại Hội nghị triển vọng cây trồng biến đổi gene (GMC) diễn ra hôm qua tại Hà Nội, rằng GMC sẽ giúp tăng sản lượng nông sản với chất lượng tốt.
"Trên thế giới đã có gần 20 năm trồng GMC, rủi ro rất ít. Việt Nam không nên bỏ qua khi lợi ích từ GMCđang được nhiều nước trên thế giới công nhận", ông Clive James nói.
Ông Clive James cho biết, chỉ tính riêng năm 2011 đã có thêm 12 triệu ha được đưa vào canh tác, tăng 8% so với năm 2010, và tăng gấp 94 lần so với năm 1996 - thời điểm GMC được thương mại hóa toàn cầu.
"Công nghệ biến đổi gene đã mang lại lợi ích kinh tế xã hội và môi trường bền vững", James nói thêm.
Tại Việt Nam, cây biến đổi gene đã được cho phép trồng thử nghiệm và dự kiến sau năm 2015 có thể trồng ở quy mô thương mại. Mục tiêu đặt ra là đến 2020 diện tích GMC chiếm khoảng 5% diện tích cây trồng trên cả nước.
"Hiện các bộ liên quan trong quá trình xây dựng nguồn nhân lực, đánh giá tác động đến sức khỏe, đánh giá chi tiết các rủi ro về GMC trước khi ứng dụng vào nước ta", ông Phạm Văn Tỏa, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, cho biết.
Cũng theo ông Toản, mục tiêu đưa ba giống cây ngô, đậu, bông trên khảo nghiệm trước do xuất phát từ nhu cầu phục vụ chăn nuôi ở Việt Nam rất lớn, trong khi các cây trồng thường cho năng suất thấp, hàng năm vẫn phải nhập lượng lớn từ nước ngoài. Do đó, nếu ứng dụng công nghệ biến đổi gene, Việt Nam sẽ nâng cao sản xuất, tiết kiệm tiền nhập, đồng thời bình ổn chăn nuôi, ông Toản dự đoán.
Cây biến đổi gene gây ra nhiều tranh cãi trong giới khoa học Việt Nam. Một số chuyên gia cho rằng Việt Nam chưa nên trồng cây biến đổi gene vì nó tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại lâu dài tới sức khỏe cộng đồng.
Theo giáo sư Trần Đình Long, Chủ tịch hội giống cây trồng, GMC có thể gây dị ứng, làm nhờn kháng sinh, có thể tạo ra độc tố và gây độc lâu dài cho cơ thể con người.
"Gene kháng sinh có thể được chuyển vào các cơ thể vi sinh vật trong ruột của người và động vật ăn thịt thành phần biến đối gene. Điều này sẽ dẫn tới việc tạo ra vi sinh vật có khả năng kháng thuốc", ông Long nói.
Theo quan điểm của ông Long, Việt Nam không phản đối cây trồng biến đổi gene, "nhưng tiếp cận với chúng thế nào thì cần phải thảo luận". Ông đề nghị trong 10 năm tới không nên trồng cây biến đổi gene ở nước ta.
GMC là những cây mà vật liệu di truyền của chúng được biến đổi theo ý muốn chủ quan của con người nhờ công nghệ sinh học hiện đại, hay còn gọi là công nghệ gene. Trên thế giới, GMC đã xuất hiện cách đây hai thập kỷ. Ở nhiều nước, thực phẩm làm từ nông sản biến đổi gene đều được ghi rõ điều này trên bao bì để người tiêu dùng tự cân nhắc sử dụng.
Hương Thu