Nét nổi bật nhất trong cách thức mua bán của chợ nổi ở miền Tây là quảng cáo chào hàng. Hầu hết các ghe đều cắm một vài cây sào và tất cả sản phẩm đều được treo trên đó. Người bán dùng cây chống ngay trước mũi xuồng, ghe của mình rồi treo tượng trưng lên đấy những nông sản mà mình muốn bán. Chẳng hạn như bán cam thì người ta treo lên vài quả cam, bán xoài thì treo vài trái xoài, bán chuối thì treo nải chuối, bán mía thì dựng lên bó mía...
Cây sào này gọi là cây bẹo. Theo “Từ điển phương ngữ Nam bộ”, bẹo là một động từ có nghĩa “chưng ra, đưa ra để khêu gợi”: “bẹo mặt” là chường mặt ra để trêu tức; “bẹo hình bẹo dạng” là phô trương hình dáng, chưng diện màu sắc có ý khoe khoang.
Cây bẹo là một hình thức quảng cáo trực quan thông minh. Vì nếu treo bảng hiệu mà để quá cao thì sẽ vướng gió, để quá thấp thì khách hàng sẽ không thấy. Còn với cây bẹo thì khách hàng chỉ cần đứng từ xa nhìn vào là đã biết trên ghe bán những mặt hàng nào. Tuy nguyên tắc chung là “treo gì bán nấy”, nhưng cư dân chợ nổi đã tổng kết được ba trường hợp ngoại lệ.
Có những thứ "treo mà không bán", đó là quần áo đang được sử dụng. Đối với những người buôn bán ở chợ nổi thì ghe hàng như căn nhà của họ, mọi sinh hoạt đều diễn ra trên đây kể cả giặt giũ. Vì không gian nhỏ hẹp và còn chứa rất nhiều hàng hóa nên họ không thể dành ra một khoảng nào cho việc phơi đồ. Chính vì thế những bộ quần áo sau khi giặt xong đều được treo lên cây bẹo để nhanh khô.
Có những thứ "bán mà không treo", đó là các loại hàng ăn uống giải khát. Các ghe bán hàng ăn uống dạo thường thay cách "bẹo hình bẹo dạng" bằng bẹo âm thanh. Có người bấm kèn bằng tay, có người vừa chèo vừa dùng chân đạp kèn (loại kèn lớn, gọi là kèn cóc). Cách này sẽ thu hút được sự chú ý của khách hàng khi di chuyển trên vùng sông nước và người dân ở đây cũng mặc định khi nghe tiếng kèn thì biết ngay đây là ghe bán đồ ăn thức uống.
Lại có trường hợp "treo cái này bán cái khác", đó là hình thức "bẹo lá bán ghe". Nếu nhìn thấy cây bẹo treo một tấm lá lợp nhà hoặc tàu lá dừa thì người dân chợ nổi hiểu ngay rằng chính chiếc ghe có cắm cây bẹo là thứ mà chủ nhân muốn bán.
Hình ảnh cây bẹo giúp chúng ta phân biệt được ghe mua và ghe bán một cách dễ dàng. Hơn thế nữa, trong tiếng sóng vỗ ì oạp cùng với tiếng máy nổ của ghe xuồng lấn áp cả khu chợ, các ghe không thể rao bán như trên đất liền, vì thế việc treo cây bẹo trở thành một hình thức hữu ích được các chủ ghe sử dụng.
Hiện nay, tại các ghe hàng tương đối ổn định như ghe xăng dầu, ghe sửa đồ... cũng áp dụng những hình thức bẹo hàng hiện đại như dùng bảng hiệu, hộp đèn màu, áp phích, băng rôn. Nhưng hình ảnh cây bẹo từ lâu đã đi sâu vào đời sống văn hóa của người dân vùng sông nước, trở thành biểu tượng đặc trưng cho các ghe xuồng của dân thương lái nơi đây.
Lan Thoa