Những thợ săn vàng có thể chỉ cần "tham khảo ý kiến" của cây nếu muốn tìm ra kim loại quý hiếm này. Nguyên nhân là khi rễ cây chạm tới vàng sâu trong lòng đất, nguyên tố hóa học này có thể được vận chuyển lên lá, IFL Science hôm 24/3 đưa tin.
Trong nghiên cứu của Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Australia (CSIRO) đăng trên tạp chí Nature Communications năm 2013 về việc dùng phương pháp lấy mẫu thực vật để tìm kiếm khoáng chất, các nhà khoa học phát hiện những cây có lá chứa vàng ở Australia. Trước đó, người ta cho rằng việc vàng hiện diện trong các mẫu thực vật là do ô nhiễm bề mặt chứ không phải do cây hấp thụ vàng từ môi trường. Tuy nhiên, nghiên cứu này cho thấy vàng có thể đi theo rễ cây lên trên bề mặt.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu khi đó đã tới Freddo Gold Prospect ở phía bắc Kalgoorlie, Tây Australia, để kiểm chứng. Bên trên mỏ vàng nằm sâu dưới lòng đất là những cây bạch đàn lớn. Lá, cành và vỏ của chúng chứa hàm lượng nguyên tố vàng (Au) đặc biệt cao.
Những phát hiện này được phản ánh lại trong một thí nghiệm nhà kính, các cây con được trồng trong chậu cát trộn vàng. Kính hiển vi điện tử quét hé lộ, lá của những cây này cũng chứa các hạt vàng giống như họ hàng hoang dã của chúng.
Cây bạch đàn có khả năng vận chuyển những hạt vàng siêu nhỏ dưới mỏ sâu nhờ bộ rễ dài đáng kinh ngạc. Rễ của Eucalyptus marginata - loài cây thuộc chi Bạch đàn (Eucalyptus), trong họ Đào kim nương (Myrtaceae) - có thể đâm sâu tới 40 m vào lòng đất để tìm kiếm nguồn nước ở nơi khô cằn. Trong quá trình này, rễ cây có thể thu thập được một số thứ khác, ví dụ như vàng.
Năm 2019, công ty Marmota tìm được vàng ở Nam Australia nhờ phương pháp sử dụng cây để phát hiện khoáng chất dưới lòng đất. Marmota phát hiện mạch vàng dày 6 m, chứa 3,4 gram vàng mỗi tấn, nằm ở độ sâu khoảng 44 m. Đó là một phát hiện đáng chú ý vì mỏ này cách xa ít nhất 450 m so với những mỏ vàng khác đã biết.
Thu Thảo (Theo IFL Science)