![]() |
Rác bít kín đường thoát nước. Ảnh: Minh Điền. |
Khi xây cầu vượt bộ hành Văn Thánh trên đường Điện Biên Phủ, ngành giao thông kỳ vọng nó sẽ giải quyết nhu cầu đi lại rất lớn của người dân, đặc biệt là những người ra vào chợ Văn Thánh. Nhưng chính sự ô nhiễm của nó đã làm nhiều bà nội trợ không còn “dũng khí” đi lên. Bà Phạm Thị Lan, ngụ tại phường 22, quận Bình Thạnh, cho biết: “Không thấy ai quét dọn hết cứ bỏ vậy, thành ra rác rơi tứ tung. Kim tiêm thì vứt bừa bãi, rồi còn phóng uế tùm lum… Nhiều người thấy sợ nên họ băng ngang đường, không thèm đi cầu vượt!”.
![]() |
Người đàn ông này đang... "tưới cây". Ảnh chụp trên cầu vượt Điện Biên Phủ. Ảnh: Minh Điền. |
Cây cầu vượt nối liền cơ sở 1-2 của Bệnh viện Ung Bứu - nằm trên đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh - cũng vắng bóng khách bộ hành. Người bán hàng rong, xe ôm, xích lô, taxi… thi nhau đậu bắt khách ngay dưới chân cầu choán hết cả lối đi lên. Do đó, bệnh nhân và các bác sĩ không còn cách nào khác là băng ngang qua đường. Tình trạng, một người bệnh, hai ba người kè nhau sang đường, diễn ra thường ngày ở nơi đây. Và tất nhiên dòng xe gắn máy, xe buýt… phải dừng lại, thường xuyên gây ách tắc giao thông cục bộ.
Anh Tâm - quê Long An - dìu mẹ qua đường, cho biết: “Lối lên cầu vừa chật, vừa cao, mẹ tui bệnh thế này làm sao đi lên cầu vượt được!”.
Tương tự, cây cầu vượt nối liền hai cơ sở của bệnh viện Từ Dũ - nằm trên đường Cống Quỳnh, quận 1- cũng đang trong tình trạng ế khách. Đây được xem là cây cầu vượt đẹp của thành phố, cầu có mái che, hai bên lắp kính chắn gió, vệ sinh được đảm bảo rất tốt. Thế nhưng hầu như cầu không có ai qua lại dù bệnh viện có hàng nghìn người ra vào khám bệnh mỗi ngày.
Hai đầu cầu thang lên cầu vượt là hai bãi giữ xe của bệnh viện. Muốn lên cầu vượt, người đi bộ phải đi vào bãi giữ xe. Theo một nhân viên giữ xe nơi đây, thì không ai ở đây đi cầu vượt cả vì "mất công lắm". Theo quan sát của phóng viên, nhiều sản phụ vẫn “ôm” bụng bầu... qua đường. Y tá, bác sĩ với áo blouse trắng nổi bật cũng “hiên ngang” băng đường, mặc cho dòng xe ào ào phóng tới.
![]() |
Bệnh nhân cùng nhân viên điều dưỡng chen giữa dòng xe tấp nập. Ảnh: MInh Điền. |
Trao đổi với VnExpress, ông Đậu An Phúc, Phó phòng Quản lý Giao Thông thuộc Sở Giao thông Công chính TP HCM cho biết, hiện nay, TP HCM có tất cả 6 cầu vượt bộ hành trên các đường: Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh; Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh; Cống Quỳnh, quận 1; Nguyễn Trãi, quận 5; Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận và cầu vượt Suối Tiên thuộc quận Thủ Đức. Kinh phí xây dựng mỗi cây cầu vượt từ 1 đến 2 tỷ đồng. Đến nay chỉ duy nhất cầu vượt Nguyễn Trãi là đi vào hoạt động tốt, còn lại vắng bóng khách. Sở dĩ người dân chưa mặn mà với cầu vượt một phần là do thói quen. Nhiều người có tâm lý ngán ngại khi phải leo cầu thang, nên thay vì đi vòng lên cầu, người dân có thói quen băng ngang đường vì nhanh hơn.
Một nguyên nhân khác là do vị trí xây cầu vượt còn chưa thỏa đáng, gây khó khăn cho người qua đường. Như cầu vượt Cống Quỳnh, theo thiết kế là sẽ nối nhịp trực tiếp lên lầu một của bệnh viện Từ Dũ, nhưng cuối cùng không làm được nên khi đưa vào sử dụng, không đáp ứng nhu cầu đi lại của bệnh viện.
Trong khi bài toán nan giải, làm sao để cầu vượt phát huy vai trò của nó vẫn còn bỏ ngỏ thì Phòng Quản lý Giao thông cho biết thêm, từ nay cho đến 2010, TP sẽ đầu tư xây dựng thêm khoảng 10 công trình cầu vượt và hầm chui tại các điểm giao thông quan trọng, các khu công nghiệp.
Trước mắt, Sở GTCC TP HCM giao cho Ban Quản Lý Giao thông Đô thị số 1 có hướng nghiên cứu, thử nghiệm hình thức mới đối với cầu vượt trên đường Nơ Trang Long. Đó là xây dựng hàng rào chắn dọc theo hai bên đường dưới chân cầu vượt, nhằm bắt buộc người dân phài sang đường bằng cầu vượt.
Minh Điền