Nam Cao (1917-1951) được xem là nhà văn lớn của Việt Nam trong thế kỷ 20 cả về sáng tạo nghệ thuật lẫn nhân cách. Nhiều tác phẩm của ông được gọi là chuẩn mực của thể loại truyện ngắn và tiểu thuyết như Chí Phèo, Đời thừa, Một đám cưới, Sống mòn.
Đọc Nam Cao, độc giả dễ bắt gặp những câu văn như một "tuyên ngôn nghệ thuật" của trường phái hiện thực, khước từ chủ nghĩa lãng mạn. Ông ý thức sâu sắc về quan điểm nghệ thuật của mình.
Trong truyện ngắn Trăng sáng (1943), Nam Cao viết: "Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối. Nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp sống lầm than".
Bằng phát biểu này, Nam Cao muốn khẳng định nghệ thuật chân chính phải bắt rễ trong đời sống hiện thực, phản ánh chân thực đời sống của con người, đấu tranh với bất công xã hội.
Nam Cao tên khai sinh là Trần Hữu Tri, sinh ra trong một gia đình nông dân. Quê ông hiện thuộc làng Đại Hoàng, thôn Nhân Hậu, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Bút danh Nam Cao là ghép hai chữ đầu của địa danh Nam Sang và Cao Đà.
Học hết bậc thành chung, Nam Cao vào Sài Gòn kiếm sống và bắt đầu sáng tác. Sau hơn ba năm, vì đau ốm, ông phải trở về quê. Sau đó, ông dạy học ở một trường tư thục ở ngoại ô Hà Nội.
Nam Cao tham gia khởi nghĩa tháng 8/1945 ở phủ Lý Nhân, sau đó làm phóng viên mặt trận, có mặt trong đoàn quân Nam Tiến vào đến Nam Trung Bộ. Mùa thu năm 1947, ông lên Việt Bắc công tác báo chí tuyên truyền, phục vụ kháng chiến. Năm 1950, ông tham gia chiến dịch Biên giới. Tháng 11/1951, trên đường vào công tác ở vùng hậu địch Liên khu III, ông bị Pháp phục kích và sát hại.
GS Nguyễn Hoành Khung trong sách Lịch sử văn học Việt Nam, tập 5 (Nhà xuất bản Giáo dục, 1973) cho rằng, trong số nhà văn hiện thực trước cách mạng, Nam Cao là người có ý thức trách nhiệm nhất về ngòi bút của mình. Ông từ bỏ thứ văn chương lãng mạn, "thơm tho" mà hướng đến cuộc sống lầm than của hàng triệu quần chúng khốn khó.