Nguyễn Văn Tùng -
Bất chấp mọi hiểm nguy, những chàng thanh niên vì yêu Pùa, vì tin vào lời đồn về phép màu của trái tim hổ vẫn vác súng vào rừng, quyết săn bằng được hổ dữ. Đã "Hơn mười người chết vì con hổ dữ. Tiếng khóc than lẫn với tiếng gió hú dài âm âm trong bản. Người ta nản chí dần, số người đi săn rụng nhanh như bứa chín cây, cuối cùng chỉ còn một người. Người ấy là Khó". Chuyện trái tim hổ chữa lành bệnh cho Pùa chẳng bao giờ trở thành sự thực. Chỉ có một sự thực xót xa: "Hơn mười người chết trong mùa đông ấy vì con hổ dữ. Thêm hai người nữa chết dần sau câu chuyện đó. Hai người ấy là Pùa và Khó...".
Kiểu cấu tứ kể về những con người "từng đi tìm bao điều phù du" trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, trước hết cho thấy sự hoài vọng về một thế giới tinh thần với những giá trị nhân văn thuần khiết. Kiểu cấu tứ ấy còn là mơ ước của nhà văn về một xã hội tốt đẹp hơn; ở đó con người và con người sẽ chỉ có tình thương, tình yêu, lòng bao dung; ở đó những kẻ vô tình, vô nghĩa, tăm tối và bặm trợn không bao giờ còn tồn tại.
Hơn thế, những tác phẩm thuộc kiểu cấu tứ tự sự này còn là lời nhắc nhở, thức tỉnh những ai còn mơ mộng, tin tưởng vào những điều huyễn hoặc hãy biết sống tỉnh táo hơn, lý trí hơn, khôn khéo hơn. Cuộc sống hiện đại với bao quan hệ bộn bề cần những con người luôn biết xét đoán thông minh, biết ứng xử để giành cho những giá trị đích thực có một chỗ đứng xứng đáng. Đó chính là những thông điệp mà nhà văn muốn gửi gắm, sẻ chia. Trong trí nhớ của người đọc Nguyễn Huy Thiệp như còn vang mãi những lời thơ:
Sự nhẹ dạ của lòng người
Tôi nhẹ dạ, anh nhẹ dạ, chị nhẹ dạ
Và em nữa, em thân yêu
Em nhẹ dạ qua chừng
Chúng ta đều nhẹ dạ ở cõi đời này
.................
Em nhẹ dạ quá chừng
Trái tim em trong trắng thế
Và đôi môi em tinh khiết thế
Đôi mắt em buồn tái tê
Niềm tin kia...
Niềm tin chẳng giả thiết gì, chẳng điều kiện gì
Còn nếu tôi là quỷ dữ?
Anh là quỷ dữ, chị là quỷ dữ?
Bố mẹ tôi là quỷ dữ?
Sự nhẹ dạ của lòng người
Có chắp cánh cho chúng ta bay lên Thiên đường được không?
(Những bài học nông thôn)
3 - Con người với tâm trạng "Sao tôi cứ như lạc loài"
Đọc Tướng về hưu nhiều người còn nhớ nhân vật chính của tác phẩm - vị Thiếu tướng về hưu Nguyễn Thuấn. Ông là một vị tướng chỉ huy trong quân đội, nhưng khi trở về cuộc đời thường, chứng kiến bao chuyện đau lòng, ngang tai trái mắt của những người trong gia đình, họ hàng, làng xóm, ông bất lực. Cuộc sống hiện tại không có chỗ dành cho ông. Cho dù đã cố gắng, ông cảm thấy không thể hòa nhập được với mọi người. Bao chuẩn mực đạo đức mà ông cho là cần thiết thì những nguời xung quanh ông chỉ cho đó là những thứ không cần đếm xỉa. Ông không thể hiểu được những chuyện như tại sao con trai ông lại tỏ ra yếu hèn trước tay trai lơ tên Khổng thường lấy "thơ ca" ve vãn con dâu mình:
"Cha tôi bảo: "Anh nhu nhược. Duyên do là anh đếch sống được một mình". Tôi bảo: "Không phải, cuộc đời nhiều trò đùa lắm". Cha tôi bảo: Anh cho là trò đùa à?". Tôi bảo: "Không phải trò đùa, nhưng cũng không phải nghiêm trọng".
Cha tôi bảo: "Sao tôi cứ như lạc loài".".
Chẳng phải riêng ông, ngay cả người con trai, con người vẫn hằng ngày được hòa nhập trong cái đời thường đó cũng cảm thấy rất cô đơn. Nhưng cái cô đơn của anh là cái tâm trạng của những người sống nhạt nhòa, đơn điệu giữa cuộc đời. Anh cơ hồ cảm thấy một sự li tán của những người đang sống quanh anh. Mỗi người như đang đuổi theo những cách sống, những cách hiểu, hơn thế, những cách quan niệm, những mục đích khác nhau. Giữa họ không có một sợi dây ràng buộc nào về tinh thần. Họ là vợ chồng, họ là cha con, là anh em, chú cháu, hàng xóm...nhưng mỗi người chỉ là một cá nhân cô đơn, tội nghiệp. Tất cả họ đều rất đáng thương. Khi người mẹ anh qua đời, người ta cho tiền vào miệng bà, con gái anh hỏi:
"Sao chết đi qua đò cũng phải trả tiền? Sao lại cho tiền vào miệng bà?". Cái Vi bảo: "Đấy có phải ngậm miệng ăn tiền không bố?". Tôi khóc: "Các con không hiểu đâu. Bố cũng không hiểu, đấy là mê tín". Cái Vi bảo: "Con hiểu đấy. Đời người cần không biết bao nhiêu là tiền. Chết cũng cần".
Những nghiệt ngã của cuộc đời đeo đẳng người ta đến cả khi đã lìa bỏ trần thế. Đằng sau những lời nói hồn nhiên của những đứa trẻ là một sự thật sa sót của cõi người. Anh "không hiểu" hay anh không đủ tự tin để tin vào điều mình hiểu. Cái gì làm anh không có đủ tự tin? Phải chăng chính là sự đơn độc của lòng người. Bởi thế anh "thấy cô đơn quá. Các con tôi cũng cô đơn. Cả đám đánh bạc, cả cha tôi nữa".
Không chỉ ở Tướng về hưu mà nhiều nhân vật trong các truyện ngắn khác của Nguyễn Huy Thiệp luôn luôn cảm thấy cô đơn, bơ vơ giữa cuộc đời. Kiểu nhân vật như vậy xuất hiện khá nhiều, có vai trò dẫn dắt mạch truyện, tạo nên một kiểu cấu tứ tự sự của truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp.
Nguyên do đâu mà xuất hiện kiểu con người cô đơn? Khi xây dựng những tác phẩm tự sự theo kiểu cấu tứ về những con người cô đơn, Nguyễn Huy Thiệp đã nhạy cảm bắt nhận được những vấn đề nóng của đời sống xã hội. Một điều tưởng như mâu thuẫn nhưng hoàn toàn có thể hiểu được là có bao người đang sống giữa nơi phố phường nhộn nhịp nhưng lại cảm thấy cô đơn tột đỉnh. Đó hoàn toàn không bởi họ không có người thân mà vì một lý do khác, một lý do như nhân vật xưng "Tôi" trong Tướng về hưu đã cảm thấy. Cuộc sống hiện đại gấp gáp quá, hối hả quá; con người hiện đại nhiều tham vọng quá; bao người đang say mê rượt đuổi tiền tài, địa vị, danh vọng. Họ chỉ nhớ đến những ý muốn, mục đích của bản thân. Làm sao con người không cảm thấy bơ vơ khi bên cạnh mình là những người như thế.
Phần lớn những nhân vật cô đơn là những người phải sống bên cạnh những con người coi thường những giá trị tinh thần, coi trọng những giá trị vật chất, ham muốn hưởng thụ, chiếm đoạt. Đặng Xuân Bường - nhân vật chính của truyện ngắn Những người thợ xẻ - là một nhân vật thuộc kiểu người như thế. Anh ta nhìn mọi thứ bằng con mắt của một kẻ hoàn toàn thực dụng. Tình yêu đối với anh ta là chuyện của giống đực đối với giống cái. Giá trị của một con người đối với anh ta là tiền. Bường có thể quy mọi thứ ra tiền, kể cả lòng tốt. Bường có thể hành động một cách trắng trợn, thô bỉ, khốn nạn để có được tiền, để thỏa mãn nhục dục. Cũng chính bởi thế anh ta chỉ cảm thấy một cách "hình như" về những giá trị tinh thần mà một người bình thường cũng có thể hiểu được:
"Chị Thục bảo: "Nghĩa tình lại chuộc nghĩa tình. Vô sự với tạo hóa, trung thực đến đáy, dù có sống giữa bùn, chẳng sợ không xứng là người". Anh Bường bảo: "Ngọc ơi, mày chép lấy câu này. Nó tù mù về hình thức nhưng ẩn chứa nội dung gì đấy".".
Cũng có thể hiểu câu nói của Bường như một sự giễu cợt những giá trị đạo đức, nhân cách mà người phụ nữ ấy muốn nhắn nhủ đến mọi người.
Với những người như Bường, có thể hiểu được tại sao lại có sự xung đột dữ dội giữa Bường và chàng thanh niên tên Ngọc - nhân vật xưng "Tôi" trong tác phẩm này. Bên cạnh những người như Bường, Ngọc cô đơn, cô đơn một cách tuyệt vọng. Ngọc có cảm giác những người quanh anh, những người mà anh gặp không thể hiểu được bao tình cảm vô cùng quý giá mà anh đang ôm ấp. Những tình cảm đang mỗi ngày khiến anh đau đớn, nuối tiếc. Anh từng bộc lộ tâm trạng ấy với người con gái mới quen, đó là Quy: "... Quy bảo: "Anh nói hay nhỉ? Em chẳng hiểu gì". Tôi bảo: "Em chẳng hiểu gì đâu". Trong lòng tôi một nỗi căm giận vô cớ bỗng dưng vụt đến, khiến tôi đắng khô miệng lại". Tất cả những gì Ngọc gặp trên bước đường đẩy ý nghĩ của anh đến sự cô đơn khắc khoải:
"Người dưng ơi người dưng, một triệu người tôi gặp trong đời có ai là máu của máu tôi? Là thịt của thịt tôi? Có ai sẽ sống vì tôi và chết vì tôi? Có ai không? Có ai là hoàng đế của tôi? Cũng là thần tử của tôi? Ai là tâm phúc với tôi? Là hy vọng của tôi? Cũng là địa ngục của tôi".
Những con người cô đơn trong tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp thường sống trong một tâm thế yếu đuối, tuyệt vọng. Họ thật sự khiến tất cả người đọc phải giật mình nghĩ về bản thân và những người xung quanh. Tiếng kêu của họ hoàn toàn chính đáng. Cần phải quan tâm sẻ chia, đồng cảm với những người quanh ta; cần phải giáo hóa những con người vị kỉ, thực dụng chính là tư tưởng mà Nguyễn Huy Thiệp muốn gửi gắm tới cuộc đời.
Người cô đơn trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp còn là người mang trong mình những tư tưởng tiến bộ về quan hệ cộng động, về tình thương yêu. Họ không chấp nhận cuộc sống đua chen, phồn tạp thị thành. Nhân vật thầy giáo Triệu trong thiên truyện Những bài học nông thôn là một người thành phố, nhưng bao giờ anh cũng nói với mọi người: "Mẹ tôi là nông dân, còn tôi sinh ở nông thôn". "Bố mẹ anh ở Hà Nội, bố anh là bộ trưởng, mẹ anh sinh ra trong một gia đình trí thức tiếng tăm. Anh sống độc thân, đã ở làng này chín năm, anh chẳng bao giờ về thăm gia đình mình ở thành phố, nghe nói bố mẹ anh đã "từ" anh,...". Anh yêu thương những người nông thôn, đồng cảm với nỗi cực nhọc mưu sinh của họ. Người thầy giáo ấy đã dứt bỏ thành phố để về sống với những người nông dân, mở mang tri thức, tầm nhìn cho họ, bởi theo anh họ khổ bởi họ còn quá "nhẹ dạ nông nổi". Về với nông thôn anh tìm được chỗ đứng của mình, anh sống chan hòa giữa họ. Những người nông dân tin yêu anh, gửi gắm con em họ cho anh dạy dỗ... Anh yêu thương những người nông thôn như máu thịt của mình, bởi thế, để chở che cho họ anh đã không tiếc cả mạng sống.
Viết về sự cô đơn, Nguyễn Huy Thiệp đã tiếp nối sáng tạo một tư tưởng truyền thống trong văn học, như chính nhân vật xưng "Tôi" trong Tướng về hưu đã từng nhận thấy: "Đọc Loócca, Uýtxman... tôi cứ mơ hồ thấy những nghệ sĩ trác tuyệt là những con người cô đơn khủng khiếp". Cũng vậy, có thể nói đến một con người cô đơn, một cấu tứ tự sự về những con người cô đơn trong tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp. Cái mới lạ, độc đáo của Nguyễn Huy Thiệp chính là ở chỗ anh đã thổi vào những hình tượng nghệ thuật của mình dáng dấp con người hiện đại, với những vấn đề của thời hiện đại. Chính bởi thế tác phẩm của anh đã được bạn đọc đón nhận và có một vị trí xứng đáng trong văn học Việt Nam hiện đại.
Cấu tứ tự sự của truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp còn có thể có những kiểu khác nữa, song với những gì mà chúng tôi đã tìm hiểu cũng có thể nhận thấy rằng việc tìm hiểu cấu tứ tự sự của truyện ngắn nói riêng và thể loại tự sự nói chung có thể mở ra cho người đọc một hướng tiếp cận tư tưởng nghệ thuật của nhà văn, tạo những cơ sở giúp cho người nghiên cứu đánh giá khá chính xác về giá trị của tác phẩm, đóng góp của một nhà văn đối với nền văn học.
Phần 1
__________________
* Ghi chú: bài viết này đã được tác giả giới thiệu lần đầu tại Hội nghị Tự sự học, ĐHSP Hà Nội, 2003.