Cấu trúc mang tên Giant Arc (Vòm khổng lồ), bao gồm nhiều thiên hà, cụm thiên hà, khí gas và bụi. Nó nằm cách Trái Đất 9,2 tỷ năm ánh sáng. Alexia Lopez, nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành vũ trụ học ở Đại học Trung tâm Lancashire (UCL) tại Anh, phát hiện cấu trúc trong lúc lập bản đồ vật thể trên bầu trời đêm dựa theo ánh sáng từ khoảng 120.000 chuẩn tinh, phần lõi sáng rực của những thiên hà, nơi hố đen siêu khối lượng tiêu thụ vật chất và phun ra năng lượng.
Khi truyền qua vật chất giữa chúng ta và chuẩn tinh, ánh sáng bị hấp thụ bởi nhiều yếu tố khác nhau, để lại dấu vết cung cấp nhiều thông tin quan trọng. Cụ thể, Lopez sử dụng dấu vết từ nguyên tố magiê để xác định khoảng cách của khí gas và bụi, cũng như vị trí của vật chất trên bầu trời đêm.
Theo cách này, chuẩn tinh đóng vai trò như đèn chiếu điểm trong gian phòng tối, làm nổi bật vật chất. Ở giữa bản đồ vũ trụ, cấu trúc xuất hiện rõ ràng, giống như một vòm lớn. Roger Clowes, người hướng dẫn của Lopez ở UCL, gợi ý phân tích kỹ hơn để đảm bảo không có sai sót. Sau khi tiến hành hai kiểm tra số liệu khác nhau, các nhà nghiên cứu xác định khả năng cấu trúc Giant Arc không có thực nhỏ hơn 0,0003%. Họ báo cáo kết quả nghiên cứu hôm 7/6 tại cuộc họp lần thứ 238 của Hiệp hội Thiên văn học Mỹ.
Giant Arc lớn hơn các tập hợp khổng lồ khác như Bức tường Vĩ đại Sloan và Bức tường Nam Cực. Việc những cấu trúc đồ sộ như vậy tập trung ở một số góc trong vũ trụ hé lộ vật chất có thể không phân bố đồng đều.
An Khang (Theo Live Science)