Phòng thí nghiệm tự lắp ráp thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) hợp tác với tổ chức Invena ở Maldives để tạo ra mạng lưới cấu trúc chìm tận dụng động lượng của sóng, qua đó, dẫn cát tích tụ ở những khu vực mục tiêu. Dự án này hướng đến tạo ra các quần đảo mới và khắc phục đường ven biển bị xói mòn theo thời gian, cung cấp giải pháp linh hoạt để bảo vệ người dân sống dọc vùng ven biển khỏi mực nước biển dâng cao, Design Boom hôm 12/8 đưa tin.
Trong tình hình thế giới chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng cao và bão ngày càng mạnh hơn đẩy các đảo quốc và khu vực ven biển tới nguy cơ cao. Khoảng 40% dân số thế giới sống ở vùng ven biển dễ bị ảnh hưởng, cho thấy nhu cầu tìm kiếm giải pháp mới nhằm giải quyết nguy cơ đang đến gần. Phương pháp truyền thông để đối phó bão và mực nước biển dâng cao thường bao gồm xây tường chắn sóng cố định hoặc thường xuyên đào xới vùng duyên hải, do đó rất khó theo kịp thay đổi của tự nhiên.
Nhóm nghiên cứu ở Phòng thí nghiệm tự lắp ráp của MIT mô tả mục tiêu của họ là "thay vì đối phó với sức mạnh của tự nhiên, họ muốn khai thác sức mạnh đó để xây dựng". Các nhà nghiên cứu tạo ra bong bóng đúc sẵn chứa đầy cát và những cấu trúc nổi khác đặt ở dưới nước để dần dần xây dựng bãi cát nhân tạo.
Phòng thí nghiệm cộng tác với đối tác từ Maldives để xây dựng và triển khai cấu trúc ngầm. Với hình khối đặc trưng và cách xếp thẳng hàng, hệ thống có khả năng biến đổi thành rạn đá nhân tạo linh hoạt. Khai thác sức mạnh của sóng biển, chúng thúc đẩy và dẫn hướng cát tích tụ ở những địa điểm được lựa chọn cẩn thận. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn điều chỉnh vị trí thiết bị để phù hợp với thay đổi theo mùa và hướng đi của bão. Phương pháp hướng đến mục tiêu là tái định hình địa thế cát theo hướng bền vững thông qua tận dụng sức mạnh tự nhiên.
Nhờ năng lượng từ đại dương, nhóm nghiên cứu tin tưởng họ có thể thúc đẩy cấu trúc cát tự tổ chức mà không cần rào chắn nhân tạo vĩnh viễn hay nạo vét liên tục và phá hủy môi trường sống tự nhiên.
An Khang (Theo Design Boom)