Tình đoàn kết, chung sức đồng lòng hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tập thể cán bộ, lãnh đạo tỉnh An Giang đã thu hút nhiều nhà đầu tư phát triển kinh tế địa phương. Trong đó, công trình vạn lý Trúc Bạch Long là một ví dụ về niềm tin của nhà đầu tư đối với tỉnh này. Dù chỉ được gọi với cái tên dân dã và thân thương là cây cầu tre, nhưng công trình tại khu du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư đã tạo nên một kỳ quan vùng sông nước độc đáo. Một nét sáng tạo nhỏ đã chuyển tải được khát vọng to lớn của cả tỉnh An Giang.
Khát vọng vươn xa
Khu du lịch rừng tràm Trà Sư do Công ty cổ phần Du lịch An Giang thuê lại với diện tích trên 160 ha để phát triển du lịch. Đơn vị này dự tính sẽ xây dựng cầu tre với tổng chiều dài trên 10 km, kinh phí hơn 10 tỷ đồng, qua hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 của cây cầu có chiều dài gần 4 km, sử dụng trên 500.000 cây tre các loại, kinh phí xây dựng trên 5 tỷ đồng, được đưa vào sử dụng hồi đầu năm 2020.
Theo Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên rừng tràm Trà Sư, từ khi đưa vào khai thác, cây cầu tre đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo của khu rừng tràm, thu hút nhiều quan tâm của du khách, nhất là khách quốc tế vì tính độc đáo và nét duyên dáng của công trình. Không chỉ vậy, cây cầu tre được cách điệu tựa "Rồng trúc bạch", mang lại một cảm giác thích thú cho du khách khi có cơ hội khám phá trọn vẹn cảnh quan thiên nhiên nguyên sinh trù phú ở Trà Sư.
Song, đại diện Công ty cổ phần Du lịch An Giang - chủ đầu tư khu du lịch này cho biết, khát vọng chắp cánh ngành du lịch địa phương không chỉ dừng lại ở đó. Đơn vị này đang gấp rút hoàn thiện giai đoạn 2 nhằm nối dài cầu thêm 6 km, với nhiều hạng mục, công trình mới đặt trên cầu và xung quanh khu rừng, mang nhiều trải nghiệm cho du khách.
Thành tựu trên được nhà đầu tư kỳ vọng sẽ bồi đắp thêm cho lòng tự hào dân tộc khi một lần nữa, một công trình đầy tính sáng tạo khác của người Việt Nam vươn mình ra biển lớn và lại có thể tạo thêm một đợt sóng to kích thích khách du lịch quốc tế. Nếu những công trình hiện đại nổi tiếng ở Việt Nam đều thể hiện tính sáng tạo trong phong cách kiến trúc tân thời và hàm chứa ý nghĩa cho sự phát triển phồn thịnh của đất nước, thì công trình đầy nghệ thuật cầu tre Trà Sư tại An Giang thể hiện nét chân chất, mộc mạc, đượm tình yêu văn hóa của lao động địa phương, chứa chan hơi thở nồng ấm từ hồn dân tộc Việt.
Trà Sư thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước tham quan, khám phá, đặc biệt là ở các ngày lễ, Tết. Theo thống kê, dịp Tết Nguyên đán 2020, nơi đây đã đón tiếp trên 40.000 lượt du khách, nhiều trường hợp du khách không thể vào tham quan do quá đông lượng khách đến nơi này.
Góp phần phát triển đồng bằng sông Cửu Long
Rừng tràm Trà Sư tọa lạc ngay tại đầu nguồn nhánh sông Hậu dòng Mekong chảy qua, nên đã hưởng sự bồi đắp màu mỡ của phù sa và nguồn thủy sản dồi dào. Vào những tháng nước lên, rừng Trà Sư và xung quanh khu vực được thiên nhiên ban tặng đa dạng sản vật đặc trưng.
Điều kiện thiên nhiên thuận lợi, vị trí đắc địa của khu rừng tràm Trà Sư cùng sự góp sức đầy sáng tạo từ con người, như ông bà thường nói là thiên thời - địa lợi - nhân hòa, đã thai nghén và sản sinh ra hậu duệ của vùng đồng bằng sông Cửu Long, nằm tại xã Ô Long Vĩ - huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Đây là nơi có vị trí chiến lược quốc gia (gần biên giới Campuchia), nhưng đời sống của người dân vẫn còn khó khăn.
Ngày 15/1 vừa qua, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã công nhận cây cầu vạn bước trong rừng tràm Trà Sư là "Cầu tre trong rừng tràm dài nhất Việt Nam", đánh dấu bước đầu trở thành hình ảnh cầu tre dài nhất và độc đáo trên đất Việt trong thời gian tới, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Đại diện Công ty cổ phần Du lịch An Giang - chủ đầu tư khu du lịch rừng tràm Trà Sư nhận định - cùng với các quyết sách phát triển kinh tế ngoạn mục khác, như dự án khổng lồ năng lượng mặt trời và nhiều dự án điểm du lịch đánh dấu lịch sử chiến tranh oai hùng, trong tương lai sẽ đưa An Giang trở thành trọng điểm phát triển du lịch của vùng đồng bằng sông Cửu Long giàu tiềm năng.
Thư Kỳ