Sinh ra trên miền đất An Giang, trong một gia đình nghèo đông anh em, Nguyễn Minh Trí ra đời đã không có tay. Lúc đầu bố mẹ Trí buồn lắm, nghĩ đến quãng đời nhọc nhằn, thiệt thòi của con sau này anh chị lại không cầm được nước mắt, tự hứa phải quan tâm thương yêu cậu con út nhiều hơn gấp bội.
Không phụ tình yêu thương của bố mẹ, anh chị, “cậu bé không tay” luôn thể hiện một nghị lực phi thường. “Không có tay mỗi lần bị té thay vì nằm khóc, nó luôn vùng vẫy để ngồi dậy. Lúc lên 3 tuổi, bị muỗi cắn nhìn thấy nó hút no máu, Trí chỉ cố nhúc nhích cho muỗi bay. Vợ chồng tôi thường đi làm, sợ Trí ở nhà té xuống nước chết nên 4 tuổi tôi đã tập cho cháu bơi lội đến bơi xuồng ghe. Giờ đây chỉ với đôi chân Trí đã bơi qua kênh như nhái”, ông Nguyễn Văn An, bố Trí nói.

Nguyễn Minh Trí.
Ngoài việc tự lo cho bản thân, Trí còn dùng đôi chân để gúp mẹ đủ việc, từ nấu ăn, lau nhà, rửa chén, trồng được cả cây kiểng đến nuôi cá lia thia. Hằng ngày, sau giờ học Trí còn đi bắt ốc bươu vàng làm thức ăn cho hơn 1.000 con ếch Thái là nguồn sống cho cả nhà.
Không chỉ ham làm mà Trí còn rất ham học. Hồi nhỏ, được các anh dạy viết 24 chữ cái, cậu miệt mài tập luyện nên một thời gian ngắn, đã viết thành thạo bằng chân. Nhà nghèo, ba mẹ Trí phải đi làm thuê nên không thể cho em đến trường. Nhưng vì ham học, nên hàng ngày, em lẽo đẽo theo các anh của mình đến trường rồi đứng bên ngoài nghe và nhớ những gì các thầy cô giảng dạy. Về nhà, cậu viết lại rồi lấy sách của các anh tập viết, tập học. Mãi đến khi 10 tuổi, thấy con không bỏ ý định đi học nên đến ba mẹ đưa em đến Trường tiểu học Thạnh Mỹ Tây xin cho em được đến trường.
Ban đầu, thầy cô thấy Trí không có hai tay nên tỏ ý không nhận. Lúc đó, em khóc, đòi bằng được đi học nên thầy cô cũng cảm động. Sau 2 lần kiểm tra khả năng viết của Trí, thầy cô mới nhận lời và cho em vào học lớp 1 hệ phổ cập. Đến năm lớp 3, Trí vừa học hệ phổ cập vừa học hệ chính quy lớp 3, cuối năm Trí lên thẳng lớp 5 và theo kịp bạn bè cho đến khi tốt nghiệp cấp 3. Suốt 12 năm đèn sách cũng ngần ấy thời gian Trí đã trải qua biết bao gian khổ.
Ông Nguyễn Văn An tâm sự: “Thằng Trí bị tật, nhưng làm được đủ chuyện. Thoạt nhìn người ta tưởng Trí không biết làm những chuyện khó như: tắm, giặt, thay đồ, chải đầu, thậm chí bơi lội. Nhớ lại vào những năm lũ lớn thằng Trí bơi xuồng đi học mà tôi ngán ngại. Mỗi lần, thấy trời chuyển gió, mưa ầm ầm thì vợ chồng tôi nóng lòng. Nhưng được cái thằng Trí nó biết lội như nhái nên mình cũng an tâm”.
Từ nhà Trí đến trường với quãng đường khoảng 4km mà chủ yếu đi bộ. Những năm lũ lớn, nước dìm ngập cả đoạn đê nên Trí Phải xắn quần lội bì bõm tìm con chữ. Thấy con mình quá đỗi nhọc nhằn, nên ông An phải bóp bụng hỏi vay mượn bên ngoài 4 triệu đồng để mua chiếc xuồng composite và chiếc máy trang bị cho Trí đến trường. Ban đầu, ông An chở Trí đi học, nhưng chỉ vài ngày sau thì Trí có thể tự lái chiếc xuồng một mình đến trường. “Tất cả hoạt động, Trí đều dùng đôi chân. Lúc khởi động máy, một chân nó đạp dàn máy còn chân kia kẹp sợi dây giật mạnh, nổ máy chạy một mạch. Ngày đầu, nó lái chiếc xuồng chạy đi học, người dân trên kênh Bờ Dâu ra xem chật cả khúc kênh. Người ta ngỡ ngàng trước cái tài của Trí…” ông An chia sẻ thêm.
Hoàn cảnh đáng thương của Trí được thầy cô, bạn bè thương yêu và đồng cảm. “Em có thằng bạn thân tên Lê Yến Thanh học chung lớp. Nếu em gặp khó khăn trong sinh hoạt hay đi đâu xa thì bạn ấy đều giúp đỡ. Đặc biệt, vào mùa khô nếu cha mẹ bận chuyện làm thuê mướn thì bạn ấy đến chở em đi học suốt quãng đường từ nhà đến trường dài hơn 4km”, Trí chia sẻ.
Dù không có 2 tay, viết chữ bằng chân nhưng trong suốt 12 năm học Trí luôn là học sinh khá giỏi, trong kỳ thi tốt nghiệp 12 Trí đạt 41 điểm. Ý thức bản thân khuyết tật, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên cậu học trò nghèo đăng ký duy nhất một ngành học là Công nghệ Thông tin của Trường ĐH An Giang. Với số điểm 13, Trí trúng tuyển vào trường trong sự ngỡ ngàng và khâm phục của thầy cô, bạn bè Trường THPT Thạnh Mỹ Tây. Nhớ lại giây phút cô giáo gọi điện thông báo kết quả, Trí cảm thấy như vẫn còn trong mơ. “Em đam mê nhất là môn tin học. Do đó, ước mơ của em là thi khối A vào ngành công nghệ thông tin. Khi hay tin mình thi đỗ đại học em rất mừng. Vào đại học là một bước đi khó khăn gian khổ, bởi gia đình còn nghèo, nhưng em sẽ cố gắng vượt qua để hoàn thành ước mơ đang phía trước”, chàng tân sinh viên nói.
Trí tâm sự người mà em thần tượng và kính phục nhất là thầy Nguyễn Ngọc Ký. Thầy là người truyền nghị lực sống và niềm tin vào tương lai cho em. Cũng có lúc Trí cảm thấy mệt mỏi và nản lòng trước những nghiệt ngã của cuộc sống nhưng chính hình ảnh thầy Ký và lòng ham học hỏi đã giúp em vượt qua.
Sau một năm làm sinh viên công nghệ, Nguyễn Minh Trí đã quen với cuộc sống, bạn bè mới. Em luôn cố gắng để học tập thật tốt, biến ước mơ kỹ sư tin học và xa hơn là mở một trung tâm dạy công nghệ thông tin cho người khuyết tật trở thành hiện thực.
Phương Thảo
Chương trình Tỏa sáng nghị lực Việt do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam - Ban Thanh thiếu niên VTV6, Báo Thanh niên và Tập đoàn Hoa Sen phối hợp tổ chức. Được phát động từ tháng 11/2013, đến nay chương trình đã nhận được sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo các bạn trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên trên cả nước. Thông qua cuộc thi viết “Gương nghị lực phi thường”, 21 tấm gương nghị lực điển hình đã được chọn để tôn vinh trong hai đêm Gala Tỏa sáng Nghị lực Việt. Nguyễn Minh Trí là một trong 21 tấm gương đó. Chương trình sẽ được tổ chức vào ngày 21/5 tại Nhà thi đấu Phú Thọ, TP HCM và ngày 24/5 tại Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình. Chương trình là dịp hội ngộ của những tấm gương nghị lực Việt Nam điển hình với một vị khách mời đặc biệt Nick Vujicic. |