Sáng giữa tháng 12, ông Da, 46 tuổi, xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành, cùng nhiều cần thủ đến cánh đồng xã Tam Anh Bắc câu cá lóc. Dựng chiếc xe máy bên đường, ông Da cầm cần dài hơn 3 m, phía trên gắn ròng rọc, đi dọc bờ mương bê tông tới giữa cánh đồng. Tìm những đám ruộng nước sâu nửa mét, cỏ, rơm rạ dày, ông Da bắt đầu câu rê, còn gọi câu quăng, câu vút.
Dụng cụ gồm một ống tròn gỗ đã cuộn sẵn dây, một đầu gắn với lưỡi câu. Lưỡi câu sắc nhọn có ngạnh uốn cong. Mồi câu là nhái được móc vào lưỡi, phía trên gắn một cục chì nhỏ.
"Từ tháng 10 đến 12, nhiều cánh đồng ở huyện Núi Thành lúa đã gặt, nước ngập sâu. Ruộng cỏ mọc um tùm là môi trường thích hợp cá lóc sinh sống", ông Da nói và chia sẻ cá lóc thích sống ở khu vực rậm rạp. Khi con mồi đi trên mặt cỏ, phát tiếng động, cá sẽ lao đến đớp.
20 năm chuyên câu rê cá lóc, ông Da đúc rút quan trọng nhất là gắn mồi, làm sao con nhái móc vào lưỡi câu khi kéo trên mặt nước không bị xoay vòng, cá sẽ bị động, không đớp mồi. Đầu lưỡi câu dùng cọng cỏ gắn vào, mục đích tránh mắc vật cản trong lúc kéo mồi và khi cá cắn mồi thì tự động bung ra.
Câu cá lóc có nhiều kiểu, người câu bằng cần máy; người dùng ống và cần. Mồi câu có thể là nhái, hoặc mồi giả, riêng ông Da chỉ dùng nhái. "Trước đây, chưa có cần máy bằng carbon, tôi dùng cần tre, trúc. Nhưng khi cần máy thịnh hành, có hai khúc tháo ra, mở vào gọn gàng thì tôi chuyển qua dùng loại này", ông kể.
Chọn đám ruộng cỏ mọc xếp lớp, ông Da dùng lực cánh tay, quăng con mồi đã móc lưỡi đi xa khoảng 30 m. Một tay cầm ống cuốn dây, tay còn lại ông giữ cần khiến con nhái lướt trên mặt nước. Thấy mồi, cá lóc lao đến đớp.
"Câu cá cần kiên trì, có lúc quăng lưới cả giờ, cá không chịu ăn. Mình phải quăng nhiều đường câu thì cá mới phát hiện được. Có con rình sẵn nhưng không chịu ăn, đến khi quăng nhiều lần mới cắn câu", ông Da nói.
Mùa này, ông Da và các cần thủ câu ở các cánh đồng ngập nước. Khi vào mùa cấy, nước rút để gieo sạ, cá theo dòng nước đến sông, hồ sinh trưởng, cần thủ lại đến các hồ đập thả câu. Từ sáng đến chiều tối, ông Da bắt được hơn 3 kg cá lóc, mỗi con nặng 2-5 lạng, có con gần một kg.
Trên cánh đồng nơi ông Da đang câu, ông Trần Xuân Thái, 60 tuổi, xã Tam Xuân 1, từ sáng đến chiều bắt được 3 kg cá lóc. Bằng kinh nghiệm gần 10 năm câu rê cá lóc, ông Thái biết khu vực có cá sinh sống và chỉ đứng một chỗ câu.
Để hành nghề, ông Thái đầu tư hơn một triệu đồng, trong đó cần 500.000 đồng; dây 200.000 đồng; ống cuốn 200.000 đồng và mỗi chiếc lưỡi 100.000 đồng. Với cần có thể dùng nhiều năm, cũng có khi được vài ngày đã gẫy, bởi va đập vật cứng hoặc giật quá mạnh. Dây câu nửa năm phải thay, lưỡi câu thường hay bị đứt mất.
Câu cá lóc đòi hỏi có sức khỏe và chịu được mưa nắng, bởi vị trí câu thường trống để quăng mồi. Cũng vì thế mà người ông Da, ông Thái đen sạm. Đôi tay hoạt động liên tục, đôi mắt tinh để nhận biết cá đớp mồi và giật câu.
Để cá sống, cần thủ thường bỏ trong bao bì và ngâm nước. Cá lóc đồng thịt thơm ngon, bán 90.000-120.000 đồng/kg. "Nghề câu rê cá lóc cũng may rủi, có hôm được gần 8 kg, có hôm được vài con đủ gia đình ăn", ông Thái nói.
Cá lóc hay còn gọi là cá quả, cá tràu, sống tại các cánh đồng, sông, kênh mương... Ở Quảng Nam, cá lóc được người dân mua về chế biến món mì Quảng, bánh canh, kho, nướng, nấu canh, nấu cháo.