![]() |
Bộ trưởng Đào Đình Bình. |
- Đang trong thời bình nhưng Hà Nội lại phải dùng cầu phao cho xe qua sông Hồng. Có phải Bộ Giao thông vận tải đã bị bất ngờ trước tình thế cầu Chương Dương bị quá tải?
- Cần nhìn vào bối cảnh chung của đất nước. Chúng tôi đã nhìn thấy yêu cầu phát triển giao thông, đã quy hoạch hệ thống cầu qua sông Hồng từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, nguồn lực trong nước rất khó khăn, chỉ riêng cây cầu Thanh Trì vốn đầu tư đã tới 400 triệu USD, huy động không dễ. Chính phủ đã phải nỗ lực lắm mới có thể khởi công được cây cầu thuộc loại rất lớn này.
- Nhưng tại sao lại phải dùng cầu phao, khi mà hình thức này bị ảnh hưởng nhiều bởi lũ và còn cản trở giao thông đường thủy trên sông Hồng?
- Đây chỉ là giải pháp tình thế. Chúng tôi đang nghiên cứu phương án tổng thể hơn giải quyết vấn đề giao thông qua sông Hồng khu vực Hà Nội trong thời gian thi công cầu Thanh Trì. Sẽ khẩn trương đưa cầu Yên Lệnh nối Hà Nam - Hưng Yên vào khai thác tháng 5/2004, để toàn bộ xe từ phía Nam đi Quảng Ninh, Hải Phòng là qua tuyến này. Đây sẽ là tuyến đường chính vào mùa lũ năm sau. Cũng có thể dùng phà ở một số điểm để phục vụ bà con. Ngoài ra trong tình huống đặc biệt khó khăn, sẽ phân luồng cho ôtô đi qua cầu Thăng Long. Tuy nhiên việc này sẽ đẩy chi phí vận tải sẽ lên nhiều, vì vòng qua cầu Thăng Long để đi lên các tỉnh đông bắc dài thêm vài chục cây số.
Cầu phao là hình thức mà ngành giao thông rất có kinh nghiệm. Trong chiến tranh chống Mỹ, giao thông vượt sông Hồng luôn được đảm bảo cũng nhờ cầu phao. Để giải quyết giao thông đường thủy, buổi đêm hoặc thời gian thấp điểm, sẽ rỡ phao cho tàu thuyền qua lại.
Dự kiến, năm 2006 hoàn thành cầu Thanh Trì, giao thông giữa hai bờ sồng Hồng sẽ được đảm bảo. Về lâu dài, cầu Nhật Tân do UBND Hà Nội làm chủ đầu tư được khởi công và đưa vào sử dụng thì việc đi lại sẽ không còn phải lo nữa.
- Kế hoạch lắp đặt cầu phao hiện đang được triển khai thế nào?
- Bộ Giao thông vận tải đã thống nhất với UBND Hà Nội, Bộ Quốc phòng phương án. Trong ngày hôm nay, các cơ quan của thành phố sẽ xác định xong vị trí đặt cầu phao. Quan điểm của tôi là nên để cầu phao ở phía phà Khuyến Lương, xa khu vực cầu Chương Dương, để chủ động phân luồng giao thông trong thành phố, bớt áp lực hai đầu cầu. Sau khi xác định được địa điểm, quân đội sẽ lắp đặt ngay. Như họ nói có thể hoàn thành trong 4 giờ.
- Vừa qua Cục Đường bộ đã cấm không cho xe con, ôtô tải nhẹ đi trên hai cánh gà cầu Chương Dương với lo ngại về an toàn của cầu. Bộ trưởng có thể cho biết cụ thể tình trạng kỹ thuật cây cầu huyết mạch hiện nay?
- Bộ Giao thông vận tải từ lâu đã lưu tâm đến tình trạng xuống cấp của cầu Chương Dương, dù đã chuyển giao cây cầu này cho Hà Nội quản lý theo đề nghị của chính quyền thành phố. Bộ vẫn đầu tư, nâng cấp các mố trụ cầu đảm bảo an toàn giao thông. Tuy nhiên sau 20 năm sử dụng, cây cầu đã xuống cấp nhiều trong khi lưu lượng vận tải ngày càng lớn. Lưu lượng xe qua cầu hiện khoảng 20.000 ôtô/ngày đêm. Mức độ này cầu vẫn chịu đựng được và chỉ ách tắc trong giờ cao điểm. Việc đi lại trên cầu vẫn đảm bảo an toàn. Các chuyên gia của chúng tôi liên tục theo dõi tình trạng cầu, và việc khuyến cáo UBND Hà Nội không tiếp tục phân luồng xe con, xe tải nhẹ vào hai bên cánh gà chỉ là để kéo dài tuổi thọ cầu.
- Cầu Chương Dương đang được sửa chữa lớn, nhưng chậm tiến độ. Bộ trưởng có thể cho biết lý do?
- Thi công cải tạo, gia cố cầu thời gian vừa qua bị chậm là vì vướng mùa lũ. Còn nay sang mùa cạn, việc thi công sẽ nhanh hơn, đảm bảo tiến độ. Những đơn vị đảm nhiệm công việc này đều có kinh nghiệm về xây dựng cầu đường.
Nghĩa Nhân