Vật thể được cho là thiên thạch rơi xuống Pilbara. Video: Twitter.
Vầng sáng lóe lên lâu tới mức nhiều người có thể ghi lại cảnh tượng bằng điện thoại. Các chuyên gia cho biết vật thể này không phải mảnh vỡ tàu vũ trụ rơi xuống Trái Đất mà nhiều khả năng là "cầu lửa", tức thiên thạch rất sáng rơi qua khí quyển Trái Đất.
"Khi rác vũ trụ hoặc vệ tinh bốc cháy, chúng ta thường thấy những tia lửa. Nhưng chúng tôi không thấy vệt sáng rất gọn và rõ", Renae Sayers, chuyên gia ở Trung tâm Vũ trụ, Khoa học và Công nghệ thuộc Đại học Curtin University, Australia, nhận xét.
Vùng Pilbara nằm ở bang Tây Australia, nhưng nhiều cư dân ở các bang xa như Northern Territory và Nam Australia cũng trông thấy cầu lửa, theo nhà nghiên cứu Glen Nagle ở Tổ hợp truyền thông không gian sâu Canberra.
Theo Nagle, màu xanh lá cây của cầu lửa hé lộ vật thể chủ yếu cấu tạo từ sắt. Hiện nay, nhà chức trách chưa rõ điều gì xảy ra với vật thể. Nhưng nếu nó có nguồn gốc tự nhiên và rơi xuống Trái Đất ở vùng hẻo lánh của Pilbara outback, việc tìm kiếm thiên thạch gần như bất khả thi bởi đá trong khu vực chứa lượng sắt lớn.
Theo Hiệp hội Thiên thạch Mỹ, hàng nghìn thiên thạch lao qua khí quyển Trái Đất mỗi ngày. Tuy nhiên, phần lớn không được quan sát bởi chúng rơi trên đại dương và nơi không người ở, hoặc bị che khuất bởi ánh sáng ban ngày.
An Khang (Theo Newsweek)