So với chỉ hai ngân hàng năm ngoái, "câu lạc bộ" lãi chục nghìn tỷ của ngành năm nay tăng gấp ba. Thống kê từ báo cáo tài chính và dự báo của các công ty chứng khoán, hệ thống ngân hàng năm 2019 có thể ghi nhận 7 cái tên đạt lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng, bao gồm Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV, Techcombank, VPBank và MB.
Tuy nhiên, cùng cán mốc lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng, mỗi ngân hàng lại có đặc điểm và cách tiếp cận khác nhau.
Đứng đầu trong nhóm "Big 4"và cũng là nhà băng có lãi cao nhất hệ thống là Vietcombank. Đà tăng trưởng của họ là sự cộng hưởng nhiều yếu tố, gồm hoạt động lõi từ nhóm khách hàng lớn, chi phí vốn thấp, tăng trưởng phí cao, lợi thế từ mảng ngoại hối và tiềm năng từ bán chéo bảo hiểm. "Big 4" ngành ngân hàng - Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank - cùng xuất hiện trong "nhóm 10.000 tỷ". Năm 2018, nhóm này chỉ có duy nhất Vietcombank vượt mốc 10.000 tỷ lợi nhuận.
Theo công bố của ngân hàng, lợi nhuận trước thuế năm 2019 của Vietcombank đã vượt mốc 1 tỷ USD, cao gần gấp đôi ngân hàng ở vị trí thứ hai. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng kết quả này vẫn là "khiêm tốn" bởi nếu ghi nhận trọn vẹn khoản phí từ hợp đồng bảo hiểm với FWD, lợi nhuận của Vietcombank có thể tiếp tục nới rộng so với phần còn lại hệ thống. Báo cáo của VCSC dự báo, đến 2022, Vietcombank có thể trở thành doanh nghiệp niêm yết đầu tiên cán mốc lợi nhuận 2 tỷ USD.
Với VietinBank, sau nửa cuối năm 2018 giảm tốc vì thực hiện đề án tái cơ cấu, nhà băng này đã trở lại trong năm 2019 với lợi nhuận riêng lẻ 11.500 tỷ đồng, tăng 83%. Kết quả này được xem là một "bất ngờ", bởi tăng trưởng tín dụng của VietinBank chỉ duy trì ở mức một con số. Theo đại diện ngân hàng, kết quả năm 2019 do sự chuyển hướng tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, tăng thu nhập ngoài lãi, chuyển từ bán riêng lẻ sang bán theo chuỗi liên kết, bán chéo.
Cùng gặp khó khăn về vốn như VietinBank, BIDV chỉ tăng trưởng tín dụng hơn 12% trong năm 2019, thấp hơn trung bình ngành. Tuy nhiên, nhà băng này cũng báo lãi trước thuế hơn 10.800 tỷ đồng, tăng gần 14% so với 2018, vượt gần 5% so với kế hoạch.
Cùng cán mốc lợi nhuận 10.000 tỷ với nhóm "Big 4" là bộ ba Techcombank, VPBank và MB. Tuy nhiên, so với nhóm nhà băng quốc doanh, nhóm ngân hàng tư nhân có sự xáo trộn lớn hơn.
Nếu không có sự thay đổi quá lớn, Techcombank có thể sẽ là nhà băng lãi cao thứ hai hệ thống, vị thế tương tự năm 2018. Theo báo cáo tài chính mới công bố, ngân hàng này báo lãi trước thuế hơn 12.800 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với năm trước. Tuy nhiên, cấu trúc lợi nhuận của Techcombank đang có sự thay đổi.
Những năm trước, ban lãnh đạo Techcombank thường nhắc đến cụm "lợi nhuận cao nhưng rủi ro thấp". Hai vế tưởng như mâu thuẫn này xuất phát từ cấu trúc hoạt động đặc biệt gắn với hệ sinh thái của những khách hàng quy mô lớn như Vingroup, Masan hay Vietnam Airlines. Do khai thác tập khách hàng gắn với những đối tác lớn, Techcombank có thể kiểm soát được rủi ro, đạt biên lợi nhuận cao hơn hẳn đối thủ. Trong khi đó, chi phí vốn ở mức thấp do tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) luôn cao.
Tăng trưởng cho vay hàng năm của Techcombank ở thời kỳ này cũng gần như không đáng kể nếu so với cuộc đua ở những nhà băng khác cùng quy mô. Thay vào đó, ngân hàng này san sẻ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng sang kênh đầu tư trái phiếu, với tỷ lệ nắm giữ trái phiếu của các tổ chức kinh tế trong top đầu của hệ thống ngân hàng. Năm 2018, cho vay khách hàng của Techcombank không tăng trưởng nhưng thu nhập lãi thuần vẫn tăng 24%, còn lợi nhuận trước thuế tăng 34%. Tỷ lệ lợi nhuận trên tổng thu nhập đạt 58%.
Tuy nhiên, Techcombank của năm 2019 đã có thay đổi. Tỷ lệ lợi nhuận trên tổng thu nhập vẫn giữ ở xấp xỉ 60% như năm 2018, nhưng ngân hàng bắt đầu đẩy mạnh hơn kênh cho vay, đặc biệt là bán lẻ, hướng đi mới nhằm rời khỏi "hình bóng" của những đối tác lớn.
Tăng trưởng cho vay của Techcombank đạt hơn 44%, con số này cao hơn tăng trưởng tín dụng được cấp do ngân hàng hạ bớt tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp. Khoản mục trái phiếu của các tổ chức kinh tế trong nước giảm khoảng 28.000 tỷ đồng trong năm 2019.
Nếu như Techcombank chọn hướng đi mở rộng, ngược lại với trước, thì VPBank tập trung vào chiều sâu, chọn xử lý các khoản tồn đọng sau giai đoạn tăng trưởng nóng.
Ngoài câu chuyện lợi nhuận trở lại mức tăng hai con số, sự thay đổi của VPBank trong năm 2019 là tập trung vào xử lý nợ xấu khi ngân hàng này tất toán toàn bộ trái phiếu VAMC. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng mẹ VPBank bao gồm cả dư nợ trái phiếu tại VAMC giảm từ 4,01% cuối năm 2018 xuống còn 2,18%. Tỷ lệ nợ xấu hợp nhất về dưới 3%.
Với cấu trúc hoạt động nghiêng về bán lẻ, tài chính tiêu dùng có độ rủi ro cao, việc kiểm soát nợ xấu và chi phí hoạt động mở ra cơ hội cho VPBank những năm tiếp theo. Báo cáo mới nhất từ SSI ước tính lợi nhuận của VPBank năm 2020 có thể tiệm cận với Techcombank và BIDV, đạt trên 13.000 tỷ đồng.
Cái tên còn lại trong nhóm này là MB. Theo công bố từ ngân hàng, lợi nhuận trước thuế của MB trong năm 2019 đã vượt mốc 10.000 tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2018 và vượt 5% kế hoạch đề ra từ đầu năm.
Tương tự phần lớn của hệ thống ngân hàng, động lực tăng trưởng chính của MB vẫn tới từ "nồi cơm tín dụng" với tăng trưởng tín dụng gần 16%, cao hơn trung bình ngành. Trong đó, trọng tâm của nhà băng này là nhóm khách hàng cá nhân với tăng trưởng dư nợ 23%. Tỷ trọng dư nợ cho vay khách hàng cá nhân tăng từ 36,0% năm 2018 lên 38,4% năm 2019.
Minh Sơn