Cầu Kênh Tẻ nối đường Khánh Hội (quận 4) với Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) được mở rộng thêm mỗi bên chỉ một mét là xử lý cơi nới chắp vá, tốn kém nhưng khó đạt mục tiêu giải quyết kẹt xe. Chưa kể, ngày càng có nhiều phương tiện lưu thông qua khu vực này; cùng với các trục đường kết nối dày đặc nhà cao tầng, chung cư, hàng loạt dự án khu dân cư đô thị đã và đang hình thành, rất nhiều phương tiện vận chuyển hàng hóa qua lại để ra vào cảng Hiệp Phước.
Trước đây, đáng lẽ nên làm cầu Kênh Tẻ rộng 30m đồng bộ với bề rộng quy hoạch đường Nguyễn Hữu Thọ. Thế nhưng, cuối cùng cầu chỉ rộng 14m. Xảy ra kẹt xe, cơ quan chức năng sửa sai, lẽ ra làm cầu mới rộng 16m bên cạnh cầu cũ để có tổng cộng bề rộng được 30m thì lại cơi nới, chắp vá thêm mỗi bên chỉ một mét. Việc này tốn kém gần 90 tỉ đồng, gây khó khăn cho người dân lưu thông qua cầu mà không giải quyết kẹt xe bao nhiêu so với nhu cầu giao thông.
Cầu Kênh Tẻ sau khi sửa chữa xong vẫn bị kẹt xe, nghĩa là người dân còn chịu khổ. Không kẹt xe sao được, khi mà mật độ giao thông quá lớn. Cầu hiện hữu vẫn là nút thắt cổ chai. Chỉ riêng đường kết nối Khánh Hội khá rộng, Nguyễn Hữu Thọ đoạn dài hơn 7,5km có bề rộng 30m nhưng vẫn thường xuyên xảy ra tình trạng ùn ứ vào giờ cao điểm. Cầu Kênh Tẻ vốn đã quá hẹp, như một nút thắt. Mở rộng thêm mỗi bên một mét cho xe chạy là không đáng kể so với mật độ phương tiện lưu thông, bề rộng các tuyến đường lân cận. Mỗi khi xử lý chắp vá, cơi nới mở rộng cầu cũ càng gây kẹt xe trầm trọng, có thể ảnh hưởng ít nhiều chất lượng bởi cầu cũ vốn đã được tính toán cho số lượng xe lưu thông với bề rộng nhất định.
Dự án cầu Kênh Tẻ 2 bắt đầu từ đường Hoàng Diệu nơi chân cầu Ông Lãnh đến vòng xoay Tôn Đản và Vĩnh Hội (quận 4), vượt trên đường Tôn Thất Thuyết, băng qua kênh Tẻ rồi nối vào đường Lê Văn Lương (quận 7) đang được gấp rút hoàn tất thủ tục để xây dựng.
Nhiều người cho rằng, sau khi xây dựng xong cầu Kênh Tẻ 2, chia sẻ giao thông, cầu Kênh Tẻ hiện hữu sẽ hết kẹt xe. Lý thuyết là vậy, song thực tế khó đạt yêu cầu. Khi có cầu Kênh Tẻ 2, cầu Kênh Tẻ hiện hữu vẫn còn là nút thắt cổ chai, mật độ giao thông mặt đường rộng 30m di chuyển vào cầu rộng 16m khó tránh kẹt xe. Ngoài ra, các phương tiện giao thông ít khi đi vòng vài cây số để qua cầu Kênh Tẻ 2 và tránh cầu Kênh Tẻ hiện hữu.
Dự án cầu Kênh Tẻ 2 trước sau gì cũng phải làm, làm càng sớm càng lợi, góp phần chia tải giao thông qua lại giữa quận 4 và quận 7. Nhưng khó giải quyết kẹt xe cầu Kênh Tẻ hiện hữu. Cần rút kinh nghiệm giải quyết kẹt xe, tránh cách làm như chắp vá mở rộng cầu Kênh Tẻ.
Câu chuyện cơi nới mở rộng cầu cũ hay xây cầu mới cũng giống như ban hành một chính sách, thực hiện một dự án kinh tế xã hội. Trước khi tiến hành nếu các nhà quản lý, hoạch định một cách khoa học với mục tiêu rõ ràng và cụ thể, lường trước những phát sinh, đánh giá mức độ khả thi trước mắt và lâu dài, bài toán lợi ích và chi phí hẳn sẽ hiệu quả hơn. Nói cách khác, là tầm nhìn quy hoạch hạ tầng giao thông gắn với phát triển đô thị. Dự báo không đúng nhu cầu giao thông để lại nhiều bất cập, công trình xây dựng xong vẫn kẹt xe.
Nhìn rộng ra các đô thị lớn ở nước ta, nhiều công trình giao thông làm xong chưa bao lâu đã quá tải và lỗi thời. Điều này lặp đi lặp lại, tốn kém, không hiệu quả. Biết bao cây cầu mới đưa vào sử dụng, lại tiếp tục chắp vá mở rộng. Thấy kẹt xe, mở rộng mặt đường hiện hữu, mật độ giao thông tăng lên dẫn đến kẹt xe, lại tiếp tục mở rộng mặt đường. Làm đường tránh đô thị rồi xung quanh hình thành khu dân cư đô thị, lại tiếp tục làm đường tránh. Đó là quản lý kém, thiếu tầm nhìn.
Xây dựng thành phố thông minh, hiện đại không thể thiếu công trình giao thông cùng với giải pháp quản lý tổ chức nhu cầu đi lại cho người dân và vận chuyển hàng hóa nhanh chóng, thuận lợi, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả. Mỗi dự án cầu đường triển khai phải có tầm nhìn về sự phát triển lâu dài cho cả một khu vực, hơn nữa nữa là vùng miền. Công trình giao thông thường khá tốn kém, làm xong chưa bao lâu nếu xảy ra quá tải và kẹt xe lại phải sửa chữa hoặc chắp vá thì càng khó khăn hơn. Vì vậy, khâu dự báo nhu cầu giao thông rất quan trọng, là cơ sở quy hoạch định hướng có căn cứ khoa học để xây dựng hạ tầng giao thông không chỉ hiện tại mà còn đáp ứng nhu cầu tương lai, phát triển dân số.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.