Nghiên cứu năm 2019 của Đại học Tennessee, Knoxville (Mỹ) cho thấy tiền bạc là chủ đề gây bất đồng với hầu hết các cặp vợ chồng.
James Brien, người sáng lập dịch vụ hỗ trợ ly hôn Easy Online Divorce cho biết mặc dù chủ đề tiền bạc có thể khiến nhiều người khó chịu, nhưng việc thảo luận về tài chính lại rất cần thiết cho các mối quan hệ lành mạnh.

Ảnh minh họa: Pexels
Theo các chuyên gia, có một số câu hỏi quan trọng về tiền bạc bạn nên thảo luận với đối tác trước khi quyết định kết hôn.
Tình trạng tài chính hiện tại là gì?
Nắm được hiện trạng tài chính của đối phương là một trong những bước quan trọng trước khi bước vào hôn nhân. Cho dù đó là tiền tiết kiệm, số nợ hiện có, khoản cấp dưỡng nuôi con, khoản hỗ trợ cha mẹ ốm bệnh hay anh em đang đi học... tất cả đều là nghĩa vụ tài chính mà bạn phải giải quyết cùng người ấy trong tương lai.
Trên thực tế, bạn có thể không phải trực tiếp đóng góp vào việc cấp dưỡng, nhưng một phần tài chính của đối tác được sử dụng cho những việc đó có thể ảnh hưởng đến các mục tiêu dài hạn như mua nhà hoặc đầu tư của hai người. Biết rõ thực trạng giúp hai bạn có được mục tiêu cho tương lai cụ thể hơn.
Clare Moffat, chuyên gia tài chính của công ty bảo hiểm Royal London lưu ý, do xu hướng kết hôn muộn nên có thể trước khi bước vào hôn nhân, cả hai phía đều đã có một số trải nghiệm nhất định về tài chính, bao gồm các khoản tiết kiệm, các khoản nợ... Do đó, trao đổi với nhau về vấn đề tiền bạc là rất quan trọng.
Clare giải thích: "Nợ của một trong hai người có thể ảnh hưởng đến các quyết định tài chính chung. Do đó, điều quan trọng là phải thảo luận về cách tiếp cận của cả hai bạn đối với nợ, khoản vay chung, thế chấp và tài khoản ngân hàng... trong tương lai".
Mục tiêu tài chính tương lai là gì?
Clare Moffat khẳng định việc hiểu về mục tiêu tài chính của nhau là rất quan trọng để đảm bảo hai phía có cùng quan điểm.
"Cho dù đó là tiết kiệm tiền mua nhà, đầu tư cho tương lai hay trả nợ, việc thống nhất mục tiêu có thể giúp ngăn ngừa xung đột và cùng nhau xây dựng tương lai ổn định", chuyên gia nói.
Thói quen chi tiêu của cả hai ra sao?
Tiền bạc thường là nguyên nhân gây ra tranh cãi nên việc hiểu thói quen chi tiêu của nhau là điều cần thiết. Cho dù bạn đời là người tiết kiệm hay tiêu xài hoang phí, việc họ ưu tiên chi tiêu ra sao cũng có thể giúp bạn lập ngân sách chung và tránh những điều bất ngờ.
Chuyên gia tài chính Sokunbi (Mỹ) nói không có câu trả lời đúng hay sai ở đây. Điều quan trọng là cả hai bạn đều có cùng quan điểm hoặc tôn trọng quan điểm của đối phương. Khi bạn hiểu và chấp nhận thói quen chi tiêu của đối phương, bạn sẽ không thấy căng thẳng về tài chính trong mối quan hệ của mình.
Lập và quản lý tài chính gia đình tương lai như thế nào?
Một nghiên cứu của công ty đầu tư và tài chính Fidelity năm 2024 cho thấy hầu hết các cặp vợ chồng cùng nhau đưa ra quyết định về tài chính, tuy nhiên cứ 4 cặp đôi thì có 1 cặp coi tiền bạc là thách thức lớn nhất trong mối quan hệ của họ. Cách tốt nhất để tránh điều này là trò chuyện cởi mở, bao gồm việc sẽ quản lý tài chính gia đình thế nào, trước khi kết hôn.
Quyết định nên giữ tài chính riêng biệt, gộp lại hay kết hợp cả hai là một cuộc thảo luận quan trọng. Clare khuyên bạn nên trao đổi rõ về điều này, do nó ảnh hưởng đến tính minh bạch, lòng tin và quản lý tài chính trong mối quan hệ. Việc thiết lập ranh giới và hệ thống rõ ràng có thể giúp tránh hiểu lầm.
Trong trường hợp hai bạn quyết định lập tài khoản chung, Clare khuyên bạn nên làm rõ mục đích của quỹ này ngay từ đầu. Cô giải thích: "Ví dụ, bạn nên thống nhất về cách chia hóa đơn, các khoản chi tiêu khác trong gia đình. Điều này đặc biệt quan trọng nếu một trong hai bạn kiếm được nhiều hơn người kia. Một số người cho rằng sẽ chia đều 50:50, bất kể chênh lệch lương lớn đến mức nào, điều này có thể gây ra rắc rối trong quá trình chung sống. Vì vậy, cần làm rõ trước khi bước vào cuộc sống chung".
Thùy Linh (Theo Metro)