*Gợi ý giải đề thi môn Lý khối A, A1
Tại điểm trường THCS Việt Nam Angiêri (Thanh Xuân, Hà Nội), Nguyễn Tuấn Anh (THPT B Kim Bảng, Hà Nam) nhận xét đề thi khá "dễ thở", không đánh đố thí sinh. "Em chỉ loay hoay ở câu hỏi về dòng điện xoay chiều và cơ ở phần thi chung. Phần thực hành nhiều hơn lý thuyết nên em làm rất tốt", Tuấn Anh nói.
Dự thi vào ĐH khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), Lê Thị Hồng (THPT Tam Nông, Phú Thọ) cũng cho rằng đề thi không khó. Cô tự tin sẽ được 8 điểm trở lên.
Tại Đà Nẵng, thí sinh Đỗ Vũ Thảo Quỳnh dự thi vào ngành Quản trị kinh doanh (ĐH Kinh tế Đà Nẵng) cho biết, đề có nhiều câu khó rơi vào phần điện xoay chiều và giao động cơ. “Với những câu bài tập, thí sinh phải tính toán kỹ lưỡng, tư duy các công thức mới có thể làm được”, Thảo Quỳnh nói.
Vui vẻ vì làm được bài, thí sinh Nguyễn Thị Thu Sương (Đà Nẵng) chia sẻ, những bạn cùng phòng thi lại khá căng thẳng. Mặc dù vậy, tất cả đều hoàn thành bài thi khi tiếng trống vang lên. "Chưa xong thì bọn em chọn cách đánh bừa", Thu Sương cười nói.
Đề Lý dài và không “dễ nuốt” là nhận định của đa phần sĩ tử tại TP HCM. Tại điểm thi ĐH Kiến trúc (quận 1), thí sinh Nguyễn Quang Tú cho rằng đề Lý có nhiều câu khó, phải suy luận nhiều. Tú chỉ làm được 35 câu, còn 15 câu thuộc phần hạt nhân và điện xoay chiều rất khó, em chỉ “đánh bừa”. Theo Tú những câu này phải hiểu lý thuyết, bản chất mới suy luận ra.
Thí sinh Nguyễn Quốc Thái cho rằng phần bài tập trong đề thi nhiều, chiếm khoảng 70%, vì thế rất khó để đạt điểm tuyệt đối. Thái chỉ làm chủ yếu ở phần cơ bản, còn những phần nâng cao phải bỏ qua. Nhiều thí sinh khác tại điểm thi ĐH Kiến trúc cho biết không đủ thời gian làm bài. Nhiều thí sinh bị “sa lầy” với những câu hỏi về phần điện.
Nhận xét về đề thi (mã đề 528), thầy Nguyễn Mạnh Nghĩa, giảng viên khoa Vật lý ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, đa số câu hỏi nằm trong chương trình lớp 12 và gần như khai thác được toàn bộ kiến thức cơ bản, khiến thí sinh trung bình có thể làm được 50-70%. Mặc dù vậy, đề thi vẫn có tính phân loại cao, thể hiện ở những câu hỏi cần sử dụng kiến thức tổng hợp như câu 2 về dao động, câu 14 sóng cơ học, câu 7, 23, 25 về điện xoay chiều.
Một điểm mới của đề thi là đề cập nhiều đến phần thực nghiệm với ý hỏi được in đậm "gần giá trị nào nhất". Câu 31 hỏi về vận tốc của phần tử sóng thông qua đồ thị hay câu yêu cầu xử lý kết quả đồ thị giúp học sinh tiếp cận với cách xử lý kết quả thực nghiệm.
Ngày mai, thí sinh khối A thi trắc nghiệm môn Hóa, khối A1 thi môn tiếng Anh, thời gian 90 phút.
Nhóm phóng viên