Ở THCS Phù Việt, một em nhỏ đuổi theo tôi ra đến tận cổng trường. “Chú ơi cho cháu xin một quyển sách” - em nói - “Cháu thích đọc sách nhưng không có tiền”. Ánh mắt tha thiết của đứa trẻ làm tôi cay xè mắt.
Hình ảnh ám ảnh đó là đại diện tiêu biểu cho hàng triệu trẻ em nông thôn Việt Nam, những đứa trẻ đang “khát sách”.
Trong gần 20 năm theo đuổi sự nghiệp đưa sách về nông thôn, tôi nhận ra một thực tế: được đọc sách là nhu cầu tự thân của những đứa trẻ. Chúng ta hay coi người lớn là chủ thể, nghĩa là cho trẻ đọc hay không là quyền của người lớn. Thực tế, chính những đứa trẻ mới là chủ thể và người lớn trong câu chuyện này chỉ đóng vai trò tạo điều kiện hoặc định hướng chúng.
Năm 2013, em Uông Hải Minh, học sinh lớp 8 ở Thái Bình viết một lá thư gửi cho Bộ trưởng Phạm Vũ Luận. Em nhờ tôi chuyển đến tay Bộ trưởng. Lá thư mong Bộ trưởng nhân rộng mô hình tủ sách Phụ huynh - một mô hình phụ huynh làm tủ sách cho từng lớp học tại trường của Minh - để trẻ em nông thôn trên cả nước có sách đọc.
Một đứa trẻ được hưởng lợi từ việc có sách đọc đã tự có ý thức và hành động tương ứng để chia sẻ cho các bạn. Ngoài lá thư viết cho Bộ trưởng, mỗi năm em tự trích 240.000 đồng tiền học bổng để mua sách cho các bạn nông thôn khác.
Lũ trẻ có nhu cầu tự thân khám phá tri thức. Nhưng nhu cầu đó vẫn liên tục bị tước đoạt dưới nhiều hình thức khác nhau. Ở hầu hết các vùng tại nước ta, không phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, vẫn không có sách cho trẻ, người lớn không tạo điều kiện cho trẻ tiếp cận sách thậm chí còn ngăn cấm.
Tôi từng gặp một cô giáo dạy văn ở trường Quốc học Huế phải thường xuyên gọi điện thuyết phục cha mẹ không ngăn cấm con đọc sách.
Bởi vì một nền giáo dục cứng nhắc đã biến sách giáo khoa thành kinh thánh, biến những cuốn sách khác trở nên không cần thiết. Nhiều phụ huynh cảm thấy việc đọc sách giáo khoa là đã đủ, các cuốn sách khác gây tốn thời gian, làm mất tập trung cho việc học.
Khảo sát của tôi về tình trạng đọc của học sinh nông thôn cho thấy mỗi năm học các em chỉ được đọc từ 0,5 đến 2 cuốn ngoài sách giáo khoa, ngay cả ở các địa phương trù phú. Đó là một thực tế đau lòng.
Cùng với toàn xã hội, chúng tôi đã xây dựng được hơn 10.000 tủ sách. Con số này cũng chỉ là một phần rất nhỏ trong cơn “khát sách” của 15 triệu trẻ em nông thôn Việt Nam.
Chúng ta đã nói nhiều về sách giáo khoa, về chương trình chính khóa, về thi tuyển, về các “phần cứng” của nền giáo dục. Trong khi đó, một phần rất quan trọng là thúc đẩy nhu cầu tự học, tự đọc, học qua hành - vẫn đang bị bỏ trống nhiều phần.
Những ví dụ tôi vừa kể, là chuyện ở nông thôn. Nhưng ngay cả ở thành thị, thì hoạt động “tự học” cũng bị khuyết tật theo một cách khác. Trẻ thành thị, theo khảo sát đọc từ 10 đến 30 cuốn mỗi năm, không quá ít, nhưng chúng lại không được tạo điều kiện để trải nghiệm với thực tế cuộc sống - không được tiếp xúc thiên nhiên, không được thực nghiệm khoa học - và cũng không thể mang niềm thích thú với tri thức hay việc tự đọc, tự học.
Hôm nay là ngày khai giảng năm học mới. Trong ngày đến trường đầu tiên của hàng triệu trẻ em trên khắp đất nước, tôi rất muốn những người có trách nhiệm, dù là người làm giáo dục hay phụ huynh, nhớ được rằng chương trình chính khoá chỉ là một phần nhỏ trong cuộc đời học hành. Chúng sẽ phải tự học cả đời. Và làm sao để khuyến khích tinh thần tự học, hay chính xác hơn, là không ngăn trở cái nhu cầu tự nhiên ấy của trẻ, là một bài toán lớn cần giải ngay hôm nay.
Nguyễn Quang Thạch