Cuối năm ngoái, cô đứng trong một nhà máy sản xuất linh kiện điện thoại ở Khu công nghiệp Yên Phong, Bắc Ninh. Tôi gặp Xuyến vào một chiều hiếm hoi cô được hít thở khí trời sau loạt ngày tăng ca. Cô kể tôi nghe về xóm trọ đầu tiên trong đời công nhân của mình. Có những căn phòng hình hộp được xây hà tiện, duy nhất một cửa sổ bé tí bằng một ít bàn tay. Lối vào vừa đủ lách một chiếc xe máy. Cô nhăn mặt khi nhớ lại những hôm nhà trọ bị cúp điện.
Tuổi trẻ trôi qua với những lần đi chợ loay hoay tính toán mua gì để không quá mười lăm nghìn đồng cho bữa cơm chiều của phòng trọ ba người; những lần bị bắt buộc lẫn tự nguyện tăng ca xuyên đêm để có thêm tiền gửi gia đình; là nỗi sợ bị trừ tiền “chuyên cần” nều chẳng may bị quản lý phát hiện ngủ gật trong giờ làm. Cuộc vật lộn với cơm áo thoắt cái đã hơn mười ba năm. Cô sắp phải nghỉ việc vì nhà máy này không “thích” người trên ba mươi tuổi.
Đó không chỉ là tuổi trẻ của riêng Xuyến. Cả nước có hơn 10 triệu lượt nhân khẩu đang làm việc trong các khu công nghiệp. Trong đó hơn hai phần ba là lao động nữ, đa phần có tuổi đời từ 18 đến 40.
Ở Yên Phong hôm ấy, tôi nhìn thấy nhiều gương mặt trẻ khác. Có người chỉ mới tốt nghiệp trung học phổ thông nhưng cũng có người tạm giấu tấm bằng cao đẳng, đại học, sắm tạm đời công nhân. Thị trường lao động ngày càng khắt khe mà đồng ruộng quê nhà không đủ sức níu chân họ. Giã từ ghế nhà trường, họ thẳng bước vào công xưởng như lựa chọn khả dĩ nhất cho tương lai của mình.
PGS Nguyễn Đức Lộc, Đại học Thủ Dầu Một, sau một đề tài nghiên cứu về phúc lợi xã hội cho thanh niên công nhân, nói rằng chưa ai trả lời được câu hỏi về chất lượng sống và làm việc của công nhân. Ông tóm lại điều rút ra sau nghiên cứu dài hơi của mình và cộng sự: “Họ nghèo đa diện” - nghèo đất ở quê, nghèo tài sản sau nhiều năm vắt sức trong nhà máy, nghèo trình độ, nghèo niềm tin, nghèo vốn sống.
Chuyện các doanh nghiệp “vắt chanh bỏ vỏ”, tìm cách sa thải lao động nữ trên 30 hoặc trên 35 tuổi để tuyển dụng mới đã không còn là những con số nhỏ lẻ. Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, có nơi tới 80% phụ nữ tuổi trên 35 làm việc trong các khu công nghiệp bị buộc phải nghỉ việc hoặc tự bỏ việc. Lý do họ nhận được từ các doanh nghiệp là cơ cấu lại sản xuất, hoặc làm cách nào đó để lao động tự nghỉ vì không chịu được điều kiện khắc nghiệt.
Nguồn lao động dồi dào do đang trong thời kỳ dân số vàng, giá thuê nhân công rẻ hơn nhiều quốc gia là những lợi thế để Việt Nam thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Chúng ta trải thảm đón các đầu tư nhưng bao năm qua vẫn nợ một điều luật buộc doanh nghiệp phải cung cấp thêm bữa ăn giữa ca để cải thiện đời sống công nhân. Đề án 404 Chính phủ đã phê duyệt cách đây gần 4 năm có các nội dung này nay vẫn im lìm trên giấy.
Hôm qua, khoảng 1.000 công nhân đã đối thoại với Thủ tướng và các lãnh đạo Chính phủ ở Hà Nam. Những thắc mắc trong 2 giờ đồng hồ của công nhân không khác những câu hỏi nhiều năm của Xuyến.
Câu hỏi của Thủ tướng, rằng công nhân trong khán phòng đã chuẩn bị gì cho cuộc cách mạng công nghệ 4.0 làm tôi nhớ đến tâm sự của Xuyến. Cô và đồng nghiệp chỉ đứng làm những công việc như vặn ốc vít, ráp nối lại những linh kiện được công ty nhập về từ Trung Quốc. Đó là kỹ năng của thời cách mạng 1.0 chứ đừng nói đến 4.0. Sự lan tỏa công nghệ từ khu vực doanh nghiệp FDI hùng mạnh sang khu vực doanh nghiệp nội địa đã không thành hiện thực. Tay nghề, đời sống, các trang bị cho tương lai của lao động Việt Nam từ khi bước vào nhà máy, bị vắt kiệt tuổi xuân, đến khi bước ra khỏi cổng nhà máy, không thay đổi mấy.
Các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trẻ có trách nhiệm gì trong việc đào tạo công nhân khi họ còn trong công xưởng để họ không ra khỏi nhà máy với vài đồng tiền còm cõi và một tương lai mờ mịt không? Câu trả lời ở nhiều nước là “có”. Ví dụ, doanh nghiệp FDI ở Trung Quốc phải có lớp dạy kỹ năng mềm, dạy nghề, dạy tiếng Anh, nhà trẻ… cho công nhân trong các nhà máy. Nước này cũng quy định các doanh nghiệp FDI phải chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp nội địa. Tức là công xưởng sử dụng thời trai trẻ của họ, và trả cho họ một tương lai khác.
Những cú tăng trưởng GDP và đầu tư nước ngoài được khen là ngoạn mục của Việt Nam những năm qua còn một cái giá khác. Nó được góp lại từ nhiều đêm dài tăng ca của những lao động trẻ, ở cuối thời kỳ dân số vàng. Họ bị công ty đào thải khi ngoài kia còn nhiều “sức dài vai rộng” hơn, khi đã bị bào mòn tinh thần tuổi trẻ và không thể đứng liên tiếp nhiều giờ trong dây chuyền vô cảm của nhà máy.
Xuyến chùng chình định nghỉ mấy lần từ sau Tết nhưng rốt cuộc vẫn không thể gửi lá đơn đi, vì cô không có nghề gì, về quê thì ruộng đồng không còn. Cô vẫn mắc kẹt giữa hai thế giới, công xưởng và đồng ruộng.
Dù biết một ngày mình cũng sẽ phải bước khỏi cổng công xưởng linh kiện, Xuyến vẫn chưa biết sẽ làm gì với vốn sức khoẻ còm cõi và số tiền tiết kiệm ít ỏi cùng tương lai bất định.
Cô chưa kịp một lần nhìn lại thanh xuân của mình. Cô cũng không thể trả lời câu hỏi của Thủ tướng.
Bảo Uyên