Chuyến đi tìm nguồn gốc nCoV tại Trung Quốc của các chuyên gia WHO hồi tháng 1, ngay từ đầu vấp phải một số tranh cãi, từng bị trì hoãn và lo ngại về khó khăn tiếp cận dữ liệu. Cuộc điều tra kết thúc hôm 9/2, để lại nhiều câu hỏi chưa được trả lời thỏa đáng.
Trung Quốc có cản trở cuộc điều tra của WHO?
Các quốc gia phương Tây chỉ trích chính phủ Trung Quốc không minh bạch khi dịch bắt đầu bùng phát, xử lý kém trong giai đoạn đầu và để dịch lan ra ngoài đất nước này. Ngoài ra, Trung Quốc còn trì hoãn chuyến công tác của nhóm chuyên gia WHO. Vào tháng 1, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebrey cho biết ông rất thất vọng vì chính phủ Trung Quốc chưa bật đèn xanh cho nhóm tới điều tra.
Có nhiều lo ngại rằng sau một năm kể từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát, Trung Quốc có thể lấp liếm thông tin. Các chuyên gia WHO cho biết họ có toàn quyền tiếp cận các địa điểm và gặp những người họ yêu cầu. Một số người vẫn hoài nghi cho rằng nhóm không được cung cấp dữ liệu gốc mà chỉ dựa vào phân tích của các nhà khoa học Trung Quốc.
Vì sao Trung Quốc từ chối cung cấp dữ liệu gốc?
Ngày 13/2, chuyên gia bệnh truyền nhiễm Dominic Dwyer, người tham gia nhóm điều tra của WHO, cho biết các nhà khoa học Trung Quốc từ chối chia sẻ thông tin gốc mà chỉ đưa ra bản tóm tắt. Tiến sĩ Embarek cho biết nhóm nghiên cứu rất muốn được truy cập vào dữ liệu về 174 trường hợp mắc Covid-19 đầu tiên, với các triệu chứng viêm phổi, cúm và sốt. Những trường hợp đó có thể mắc Covid-19 nhưng chưa được phát hiện.
Dwyer cho biết việc truy cập dữ liệu thô đặc biệt quan trọng bởi chỉ một nửa trong số 174 bệnh nhân từng tới chợ hải sản Hoa Nam, nơi đầu tiên phát hiện nCoV ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.
"Đó là lý do chúng tôi muốn yêu cầu thông tin đó. Tôi không thể bình luận tại sao họ không cung cấp chúng. Tôi không biết đó là lý do chính trị, thời gian, hay vì bất kỳ lý do nào khiến họ không có sẵn dữ liệu. Tất cả chỉ là suy đoán", ông nói.
Tuy nhiên, nhà động vật học Daszak cho biết: "Tôi nhận thấy sự tin tưởng và cởi mở từ các đối tác Trung Quốc. Chúng tôi thực sự được truy cập vào những dữ liệu mới quan trọng và hiểu hơn về các con đường lây nhiễm có thể đã xảy ra". Đến nay, Trung Quốc vẫn chưa đưa ra bình luận về vấn đề dữ liệu.
Giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm
Nhóm nghiên cứu của WHO cho rằng rất khó có khả năng nCoV bắt nguồn từ Viện Virus Vũ Hán và việc đào sâu vào ý tưởng này là không cần thiết. Tuyên bố của WHO góp phần minh oan cho Trung Quốc. Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump từng cho rằng virus có thể đã bị rò rỉ từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán và cáo buộc Trung Quốc đã phát tán Covid-19 trên khắp thế giới.
Giả thuyết virus lây qua thực phẩm đông lạnh
Trung Quốc đẩy mạnh quan điểm rằng nCoV đến Vũ Hán qua chuỗi cung cấp sản phẩm đông lạnh, liên kết giả thuyết với các đợt bùng phát khác ở trong nước. Tuy nhiên, hôm 17/2, tiến sĩ Embarek nhận định cần nhiều nghiên cứu sâu hơn để kiểm chứng liệu thịt động vật hoang dã đông lạnh, dưới điều kiện phù hợp, có thể lây truyền virus hay không.
Phản ứng của quốc tế
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về những phát hiện này và kêu gọi Trung Quốc cung cấp dữ liệu từ những ngày đầu tiên của đại dịch. Thủ tướng Anh Boris Johnson thì cho rằng thế giới cần một bản hiệp ước đại dịch toàn cầu, trong đó các quốc gia có thể chia sẻ dữ liệu về đại dịch trong tương lai, sau khi Ngoại trưởng Anh Dominic Raab bày tỏ lo ngại về mức độ tiếp cận thông tin của nhóm chuyên gia WHO tại Trung Quốc.
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Tổng giám đốc WHO Tedros phát biểu ngày 12/2 rằng có rất nhiều giả thuyết và cần nhiều phân tích, nghiên cứu hơn nữa về nguồn gốc của Covid-19. Các nghiên cứu tương lai có thể tìm hiểu cách nCoV lây nhiễm qua đồ ăn đông lạnh, truy vết chuỗi cung ứng sản phẩm động vật đông lạnh ở chợ Hoa Nam để tìm vật chủ nhiễm virus, đồng thời mở rộng điều tra ra phạm vi toàn cầu nhằm lần ra sự lây truyền Covid-19 trước tháng 12/2019.
WHO dự kiến đưa ra báo cáo tóm tắt chuyến truy tìm nguồn gốc nCoV của các chuyên gia trong tuần này và báo cáo hoàn chỉnh bao gồm các khuyến nghị trong thời gian sau đó.
Nhóm chuyên gia WHO dẫn đầu bởi Tiến sĩ Peter Ben Embarek, nhà khoa học về an toàn thực phẩm và bệnh động vật, đến Vũ Hán vào tháng 1. Phái đoàn có 14 thành viên bao gồm các nhà dịch tễ học, nhà khoa học về bệnh động vật và con người, bác sĩ thú y, bác sĩ y khoa và nhà virus học. Trong phái đoàn có một chuyên gia người Việt Nam. Nhiệm vụ của nhóm là tìm hiểu về nguồn gốc xuất phát của nCoV. Trong khuôn khổ chuyến đi, nhóm thăm những địa điểm quan trọng như chợ hải sản Hoa Nam, nơi xuất hiện những ca nhiễm đầu tiên, và Viện Virus học Vũ Hán. Ngay từ đầu, nhóm đã xác định việc truy tìm nguồn gốc nCoV là "rất khó và cần nhiều thời gian".
Mai Dung (Theo Straits Times)