Sau giờ học, Tuấn - một học sinh lớp chín lao thoăn thoắt về nhà phía chân đồi của miền quê trung du cách trường hơn chục cây số.
Tuấn có nước da bánh mật vì rám nắng, rất chăm chỉ đi học, hầu như rất ít khi nghỉ học. Nhưng Tuấn hay đi học muộn và luôn trong tình trạng bị các cô giáo phê vào sổ đầu bài là học sinh cá biệt vì chuẩn bị bài tập ở nhà cẩu thả. Trong học bạ của Tuấn luôn bị cô giáo chủ nhiệm phê là lực học trung bình và hạnh kiểm kém.
Cuối năm học ấy, Tuấn bị cô giáo chủ nhiệm phê bình trước lớp, cô giáo chủ nhiệm nói ghê gớm lắm. Cô nói chưa từng gặp học sinh nào cá biệt hơn thế.
Tuấn chỉ còn biết đứng chết lặng trên đôi chân gầy gò của mình, đôi dép nhựa tổ ong hoen ố lặng thầm hứng từng giọt nước mắt lặng lẽ rơi.
Bẵng đi gần hai mươi năm, toàn thể Ban giám hiệu nhà trường cấp hai ngày xưa và các thầy cô giáo hồ hởi trang hoàng khuôn viên nhà trường khang trang, sạch đẹp. Họ chuẩn bị để tiếp đón một đoàn hỗ trợ cho 100 học sinh nghèo vượt khó của nhà trường. Mỗi học sinh được hỗ trợ mười triệu đồng và một khoản kinh phí hai tỷ đồng để đầu tư trang thiết bị mới hiện đại cho nhà trường.
Cô giáo chủ nhiệm tiến đến bắt tay trưởng đoàn thì hai ánh mắt khựng lại, Tuấn nhận ra ngay cô giáo chủ nhiệm ngày xưa, nay đã là hiệu trưởng. Cô đang bị loáng choáng với ánh mắt vừa ấn tượng vừa quen thuộc như đã gặp ở đâu đó.
Chính bản thân Tuấn cũng không bao giờ nghĩ cô giáo chủ nhiệm ngày xưa nay đã là hiệu trưởng. Anh giới thiệu lại bản thân mình, cô giáo bắt đầu dần nhớ ra và gò má bắt đầu ửng đỏ.
Tuấn - nay là Chủ tịch hội đồng quản trị một tập đoàn Vật liệu xây dựng đứng trong tốp mười tập đoàn mạnh của đất nước về vật liệu xây dựng. Tuổi thơ Tuấn tràn đầy nước mắt và những thăng trầm bươn chải.
Không ai nghĩ một cậu học trò nghèo ngày xưa cả một thời tuổi thơ mang theo mình lời phê hạnh kiểm kém. Ngoài giờ học cậu phải đi mót thóc, mót khoai và sắn, nuôi lợn, chăm mẹ ốm đau triền miên, bố đi làm thêm luôn xa nhà, đằng sau còn hai đứa em khắc khoải lo ăn từng bữa. Chính vì vậy với cậu cuộc sống phía trước chỉ có niềm tin, ý chí và nghị lực vươn lên bằng chính bản thân mình.
Cô giáo hiệu trưởng cầm tay Tuấn và nói:
- Tôi rất tự hào về người học trò nghèo lam lũ một thời nay thành đạt như ngày hôm nay. Tôi cảm thấy rất xấu hổ vì ngày xưa sống thiếu thiện cảm với em, đã hành xử nặng nề với em. Tôi chân thành xin lỗi em đã chôn vùi danh dự và tương lai của em trên chính mảnh đất này.
Nghe cô giáo hiệu trưởng nói thế, Tuấn vội đáp:
- Việc cô giáo dạy chúng em là phải biết học và phát triển theo khuôn vàng thước ngọc, theo chuẩn mực xã hội. Còn em, điểm xuất phát thấp nên em không sống bi quan vì lời phê của cô giáo trong học bạ. Em sống vì chính cuộc sống của em, phù hợp hoàn cảnh sống của xã hội, vì cộng đồng mà sống. Cám ơn cô vì nhờ đó em mới thấy mình phải cố gắng để bước đi và có được ngày hôm nay.
Nguyễn Anh Minh
Cuộc thi ‘Viết cho tuổi học trò’ Cuộc thi nhằm giúp các bạn trẻ chia sẻ những câu chuyện về tuổi học trò, vui hoặc buồn, khiến bạn bật cười hay muốn khóc khi nghĩ đến. Nhưng đó là nơi cất giữ một phần con người bạn, là cuốn cẩm nang đúc kết những bài học sẽ theo suốt cả cuộc đời. Hãy chia sẻ với chúng tôi con người đó, câu chuyện đó của bạn hoặc những người xung quanh để những bài học của bạn sẽ trở thành của mọi người, để giúp cho ai đó còn đang chưa tìm được lối thoát sẽ nhận ra sự đồng cảm và niềm hy vọng vẫn tồn tại trong cuộc đời này và để tuổi học trò mãi mãi là những dấu ấn không quên trong mỗi chúng ta. Cuộc thi do FPT Polytechnic phối hợp với VnExrpess và iOne.net tổ chức Xem thông tin chi tiết về cuộc thi và gửi bài tham dự tại đây |