Vừa gặp Thương, tôi đã ấn tượng mạnh với đôi mắt sắc sảo, linh hoạt của em. Thương bị dị tật từ khi vừa chào đời, bàn tay phải chỉ có ba ngón. Thương tâm sự: “Thời gian đầu đi học em luyện viết bằng tay trái, nhưng viết bằng tay trái rất chậm, vì vậy, mặc dù tay phải bị dị tật nhưng em vẫn gắng sức rèn luyện để viết nhanh hơn và được cầm bút viết bằng tay phải như các bạn”.
Viết được bằng tay phải với em đâu có dễ, nhiều lần Thương phải khóc nức nở. Được sự hướng dẫn, động viên của cô giáo, bố mẹ, bàn tay yếu ớt của em dần làm quen với cây bút. Khắc phục khiếm khuyết của bàn tay, với nghị lực tuyệt vời, giờ đây bàn tay phải của em viết chữ rất nhanh và rất đẹp.
Đôi chân của em bị dị tật từ đầu gối xuống, vì vậy muốn di chuyển, em phải dùng hai đầu gối. Chú Nguyễn Mạnh Cường (Thôn Thuận Nam, xã Thuận Hạnh, huyện Đăk Song) bố của em, tâm sự: “Hồi Thương còn học trường gần nhà, tôi và vợ thay nhau trở em đi học, nhưng nhiều khi chúng tôi bận, hoặc có hôm học ít tiết được về sớm, Thương tự bò bằng đầu gối về”. Ba năm học THPT xa nhà, bố mẹ chỉ có thể chở em ra bến xe buýt, còn việc lên, xuống xe em phải tự mình bò.
Để con không bị đau khi bò với đôi chân dị tật, chú Cường đã mua ruột ôtô, xe máy, về cắt thành từng cặp, mỗi cặp dài khoảng 7 cm cho Thương xỏ vào mỗi khi cần bò đi đâu. Cô Nguyễn Thị Lan, mẹ Thương ngậm ngùi: “Cứ được mấy hôm là ruột mòn. Chẳng nhớ đã thay bao nhiêu cặp rồi”. Để lại đằng sau những khó khăn của bản thân, đầu năm 2013, tỉnh đoàn Đăk Nông phối hợp với Trường THPT Đăk Song, trao tặng cho em một chiếc xe lăn để tiện đi lại, nhưng em đã từ chối vì cho rằng: “Dù gặp khó khăn, nhưng em còn tự đi lại được. Xe này để dành tặng cho những bạn có hoàn cảnh đặc biệt hơn”.
Kể với chúng tôi về nguyên nhân dị tật của em, chú Cường, chia sẻ: “Ông nội Thương bị nhiễm chất độc màu da cam và để lại di chứng. Khi vừa sinh ra, Thương đã bị dị tật, gia đình đã đưa em đi chữa trị ở nhiều bệnh viện nhưng không được. Theo lời khuyên của các bác sĩ, đợi đến khi Thương hết độ tuổi phát triển có thể tiến hành tháo khớp gối để thay bằng chân giả”. Do đang ở độ tuổi phát triển, một phần xương đùi mọc dài ra, nên cứ vài ba năm, gia đình lại đưa em đi phẫu thuật cắt bỏ phần xương. Ngoài ra, em còn mắc một số bệnh khác như hen phế quản, lệch lồng ngực (do phổi không phát triển).
Khi được hỏi về ước mơ của mình, em cười tươi nói: “Em muốn trở thành dược sĩ. Mấy bữa nữa em sẽ gửi hồ sơ dự thi đại học vào một trường nào đó có đào tạo chuyên ngành dược sĩ”. Thương cũng xác định, để trở thành dược sĩ, bản thân cần phải cố gắng hơn nữa, vì học lực của mình chỉ ở mức khá.
Thầy Hoàng Hùng Hữu, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đăk Song cho biết em Thương bị khuyết tật cả hai chân, nhà lại xa trường, để học được 3 năm cấp ba em đã trải qua rất nhiều khó khăn. Đó là nỗ lực phi thường, không chỉ học sinh mà mọi người cần học hỏi nghị lực này. Thầy Hữu cũng cho biết thêm, học lực của Thương ở mức khá, tính nết hiền lành, được thầy cô và bạn bè quý mến…
Trên hành trình đến được với ước mơ của mình, em còn phải trải qua rất nhiều trở ngại. Nhưng qua những gì mà em đã làm được, em sẽ có thể bò tiếp trên giảng đường đại học, để hiện thực hoá ước mơ của mình.
* Độc giả gửi bài dự thi tại đây.
Cuộc thi "Viết nên điều kỳ diệu" do Báo điện tử VnExpress phối hợp với nhãn hàng Hura Deli - Công ty cổ phần Bibica tổ chức dành cho các công dân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Các nhân vật được miêu tả trong bài viết có cơ hội được lựa chọn trở thành nhân vật Thụ hưởng trong Gameshow “Vì bạn xứng đáng” phát sóng trên kênh truyền hình VTV3. Cuộc thi kéo dài đến ngày 19/1/2014. |
Trần Mạnh Thuẩn