Cuộc sống trù phú hai bên bờ Hiền Lương hôm nay.
Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải trở thành địa danh quan trọng của đất nước suốt 20 năm thế kỷ trước. Từ sau Hiệp định Genève 1954, vĩ tuyến 17 chạy dọc theo sông Bến Hải trở thành ranh giới tạm thời chia cắt đất nước, chờ ngày tổng tuyển cử vào 2 năm sau.
Đôi bờ cầu Hiền Lương năm 1961 và hiện nay.
Hiệp định Genève quy định một khu phi quân sự, rộng 1,6 km về mỗi phía tính từ bờ sông Bến Hải, kéo dài từ cửa biển Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh) lên biên giới Việt - Lào. Trên thực tế, khu phi quân sự có độ rộng không đều tùy theo địa hình, nhằm đảm bảo không chia cắt xóm làng.
Công an và cảnh sát đôi bờ kiểm tra giấy tờ ngư dân ra vào Cửa Tùng năm 1954-1960 và Cửa Tùng hiện nay.
Cầu Hiền Lương được Pháp xây dựng năm 1952 với chiều dài 178 m, có 7 nhịp, trụ bằng bê tông cốt thép, thân cầu bằng thép, mặt cầu lát ván gỗ thông. Trong bút ký của nhà văn Nguyễn Tuân, cây cầu có 2 màu sơn với 894 tấm ván, phía bắc 450 tấm và phía nam 444 tấm. (Ảnh trên là cầu Hiền Lương nhìn từ phía nam).
Trong thời gian tồn tại, ở khu vực cầu Hiền Lương diễn ra nhiều cuộc chiến không tiếng súng, đó là chọi loa, chọi cờ... giữa chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (phía bắc) và chính quyền Việt Nam Cộng hòa (phía nam).
Cột cờ của chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa những năm đầu được làm bằng cây phi lao cao 12 m, cờ bằng vải satanh rộng 24,2 m2. Việc nâng chiều cao của cột cờ và bề rộng của lá cờ là cuộc chạy đua giữa 2 bờ.
Năm 1962, với vật liệu từ Hà Nội, quân và dân miền Bắc xây dựng cột cờ mới cao 38,6 m với lá cờ rộng 134 m2, nặng 15kg. Đây là cột cờ cao nhất giới tuyến. Theo ước tính, đến 1967 đã có 264 lá cờ được kéo lên.
Cột cờ Hiền Lương năm 1962 và hiện nay.
Cuộc chiến màu sơn cũng diễn ra quyết liệt. Với khát vọng thống nhất, phía bờ bắc sơn lại màu xanh thì bờ nam sơn vàng. Cuộc chiến màu sơn kéo dài mãi đến 1960 thì giữ nguyên 2 màu xanh - vàng.
Năm 2014, cầu Hiền Lương lần đầu tiên được phục dựng 2 màu xanh -vàng như từng tồn tại, nhằm nhấn mạnh khát vọng thống nhất của dân tộc Việt Nam.
Trong ảnh là cảnh sơn lại màu cầu ở phía Bắc năm 1960 và cảnh phục chế năm 2014.
Một trong những giàn loa ở bờ bắc phục vụ cuộc chiến âm thanh vào năm năm 1964 và hiện nay.
Nhân dân hai bên bờ Hiền Lương tự do qua lại giới tuyến 1954-1956. Theo Hiệp định Genève, dọc khu phi quân sự có 10 điểm để nhân dân 2 bờ qua lại, gồm cầu Hiền Lương và 9 bến đò. Mỗi điểm có trạm gác kiểm soát. Người dân muốn vào khu phi quân sự phải có giấy thông hành.
Năm 2003, cầu sắt Hiền Lương được phục chế theo thiết kế ban đầu của người Pháp để phục vụ tham quan. Mỗi năm, khu di tích này đón khoảng 20.000 lượt khách.
Đua thuyền buồm trên sông Bến Hải ngày trước và đua thuyền rồng ngày nay.
Năm 2014, cụm di tích đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Lễ hội Thống nhất non sông diễn ra vào tháng 4 hàng năm ở đây cũng được nâng tầm quốc gia.
Trong ảnh là công trình ở đầu cầu phía Bắc năm 1966. Một năm sau, cầu Hiền Lương bị bom Mỹ đánh sập.
Cụm di tích đôi bờ Hiền Lương gồm cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, cột cờ ở bờ bắc, nhà liên hợp, đồn công an giới tuyến, giàn loa phóng thanh, cụm tượng đài Khát vọng thống nhất ở bờ nam, Nhà bảo tàng vĩ tuyến 17...
Từ năm 1972 đến 1974, phục vụ chiến trường miền Nam, công binh bắc cầu phao nối liền 2 bờ nam bắc. Ảnh trái là cảnh người dân qua cầu phao năm 1972 và góc trên phải là cảnh cây cầu cũ bị đánh sập.
Năm 1999, cầu Hiền Lương mới được khánh thành, đưa vào sử dụng, phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Cây cầu mới nằm bên cạnh, về phía tây của cầu cũ.
Cảnh bom đạn Mỹ hủy diệt đôi bờ sông Bến Hải, mặt đất chi chít hố bom trong chiến tranh.
42 năm sau ngày đất nước thống nhất, 2 bên bờ sông Bến Hải trù phú màu xanh tươi tốt của ruộng lúa và vuông tôm.
Hoàng Táo
(Trong bài sử dụng ảnh tư liệu của BQL Khu di tích Hiền Lương Bến Hải và Tạp chí LIFE)