Chẳng nhớ được bao nhiêu mùa xuân tôi không được cùng cha mẹ náo nức chuẩn bị cho những ngày Tết cổ truyền sum họp. Được ngắm nhìn dáng cha tỉ mỉ lau chùi từng chi tiết trên món đồ thờ cổ kính. Tôi cảm thấy ánh mắt cha đang chăm chú dõi theo từng cử động lóng ngóng, đang cố gắng lặp lại từ cách cầm từng món đồ thật gượng nhẹ như thể nâng trong tay một món đồ thủy tinh dễ vỡ, đến việc luồn từng mép vải lau sạch từng nếp bụi, vết ố xanh nép sâu vào những nét trạm trổ...
Cha tôi là một người đặc biệt, ở ông vừa có sự rắn rỏi, khoa học chính xác của một người làm nghề cơ khí, vừa có vẻ thanh nhã, dạt dào tình cảm mà vẫn nghiêm khắc của một nhà nho - điều ông kế thừa được từ ông nội tôi, một nhà nho có tiếng một thời. Nhà có tới 11 anh chị em, nhưng cậu con trai út là tôi vẫn quấn quýt bên cha nhất, không rời nửa bước. Tôi vừa yêu, vừa kính lại vừa sợ cha. Nhà tôi ngày đó nghèo, rất nghèo... chỉ có duy nhất một điều chúng tôi không bao giờ thiếu là sự đầm ấm của một gia đình đầy tình yêu thương. Cách yêu thương của cha dành cho chúng tôi cũng rất đặc biệt: thầm lặng, sâu sắc, chất chứa trong những bài học làm người thật thấm thía...
Tôi nhớ một ngày 30 Tết, từ chiều đã thấy nhà hàng xóm đốt pháo tưng bừng, tôi theo đám trẻ gạt xác giấy tìm những quả pháo lép, hăm hở chạy về nhà đòi cha mua. Người trầm ngâm một lát, sai tôi mang ra một tờ giấy, cẩn trọng đặt bút viết một câu đối "Đêm ba mươi tranh pháo không tiền, con cấu bố". Cha giao hẹn "Cha sẽ phá lệ mua pháo, nếu con đối được câu này!" Tôi tiu nghỉu vào nhà. Chẳng phải vì tôi chưa tìm được câu đối chuẩn, mà hàm ý sâu xa của cha trong câu đối đã đánh thức suy nghĩ chín chắn hơn ở đứa trẻ non nớt ham vui như tôi.
Sáng sớm mùng một, cả nhà tụ tập đông đủ, cha lại hỏi "Con đã làm được vế đối hôm qua chưa?". Cứ ngỡ cha chỉ định mượn câu đối để dạy tôi vài điều, tôi vừa ngạc nhiên, vừa luống cuống... Cha tủm tỉm bảo tôi lấy tờ giấy hôm qua đến bàn, phóng bút viết tiếp vế đối còn lại "Sáng mùng Một bánh chưng không gạo, vợ lườm chồng".
Mấy anh chị em xúm vào truyền tay nhau tờ giấy, bật cười trước đôi câu đối ngộ nghĩnh. Ai cũng hiểu ý nghĩ mà cha muốn răn dạy, nhưng vẫn không quên trêu chọc "cậu út" bằng mấy câu bình luận tinh quái. Mẹ tôi hạnh phúc nhìn chồng, nhìn các con, nụ cười sáng bừng khuôn mặt... Năm đó và nhiều năm sau này, kể cả khi nghèo khó cũng như khi điều kiện gia đình khá hơn, cả gia đình tôi đã luôn có những cái Tết vui vẻ, đầm ấm như thế...
Năm nay không nhớ là năm thứ bao nhiêu chúng tôi không có cha mẹ bên cạnh, bởi thời gian sau ngày người khuất bóng là những ngày dằng dặc nhớ thương! Đã biết bao lần, tôi thèm xiết bao lại được một lần đón Tết cùng song thân dưới mái nhà năm xưa, thấy mình lại trở về là đứa trẻ háo hức thức cả đêm canh nồi bánh chưng, sáng mùng một xúng xính chiếc quần mới, được mẹ tận dụng may lại từ chiếc bao vải đựng bột...
Tôi thèm biết bao nhiêu cái cảm giác sướng rơn người khi lần đầu tiên lén mua rẻ được bánh pháo Trúc Bạch bị đứt, trốn biệt vào một góc nhà, hì hụi cả ngày Tết lại từng tép pháo rời. Tôi tưởng tượng đến âm thanh giòn giã, xác pháo thơm lừng, hồng tươi sắc hoa đào rắc trên sân lúc giao thừa...
Tôi bây giờ - một người đàn ông đã gần bước sang kia con dốc của cuộc đời, nếm trải đủ thành công lẫn thất bại, đủ để "trầm" lại trước những cám dỗ, sự thăng trầm của cuộc sống... Tuy nhiên, mỗi lần nhắc lại đôi câu đối của cha năm nào, mỗi lần chạm vào những kỷ niệm của thời xưa cũ đó, vẫn cứ vẹn nguyên cảm giác nôn nao của một đứa trẻ khi Tết đến, xuân về... Mùa xuân năm này, tôi nhớ cha mẹ, nhớ đến thắt lòng!...
Từ ngày 15/1 đến hết 1/3, độc giả VnExpress có thể tham gia cuộc thi "Tết và tuổi thơ" để chia sẻ những cảm xúc, kỷ niệm ngày Tết bé thơ đầm ấm bên gia đình.
Sản phẩm dự thi có thể là bài viết, bộ ảnh tự chụp có chú thích đầy đủ hoặc clip với thuyết minh bằng tiếng Việt, nội dung chia sẻ về ngày Tết tuổi thơ. Thời gian nhận bài dự thi bắt đầu từ ngày 15/1. Mỗi tác phẩm dự thi thể hiện dưới dạng bài viết (tiếng Việt, có dấu, dài 200-1.000 từ) hoặc file ảnh định dạng JPEG hay JPG, có thể qua chỉnh sửa bằng phần mềm nhưng không lồng ghép thành dạng album, không để viền bo trên ảnh, bắn chữ rối mắt hoặc logo của studio. Ảnh phải có chiều ngang tối thiểu từ 300 pixel trở lên, có chú thích rõ ràng, dễ hiểu. Đối với bài dự thi là clip, video, phải có chất lượng hình ảnh, âm thanh rõ ràng. Độc giả bấm vào đây để tham gia. |
Ngọc Thắng