Chị Minh Thảo (31 tuổi, TP HCM) đã nỗ lực chống chọi với căn bệnh ung thư cổ tử cung, chia sẻ khó khăn của bản thân từng gặp phải với mong muốn các bạn gái trẻ không nên chủ quan, chủ động phòng ngừa bệnh sớm.
- Chị đối mặt với căn bệnh ung thư cổ tử cung khi tuổi đời còn trẻ như thế nào?
- Lúc bác sĩ thông báo tôi bị ung thư cổ tử cung, tôi không nói nên lời. Tại sao tôi còn trẻ, còn khỏe mà lại mắc căn bệnh hiểm nghèo này, con tôi lại còn quá nhỏ. Tôi tự hỏi mình còn sống được bao lâu, nếu tôi chết, bé sẽ ra sao.
Ngoài gánh nặng tâm lý thì đau đầu nhất là chuyện tiền bạc. Phải có tiền tôi mới điều trị sớm được, bệnh này không thể chờ đợi hay chậm trễ một ngày nào. Vợ chồng đi làm dành dụm bao nhiêu năm được ít tiền, định mua căn nhà che mưa, che nắng, giờ phải lấy tiền đó để chạy chữa thuốc than nhưng cũng không đủ. Chồng tôi phải đi vay mượn nhiều nơi. Điều trị xong, vợ chồng cày lo trả nợ, mãi đến Tết năm ngoái mới trả xong.
Nhà tôi cũng ít người, ông xã vẫn phải đi làm để có tiền lo cho vợ chữa bệnh. Hai chị gái của tôi, một người phải túc trực nuôi bệnh, một người trông nom con tôi ở nhà. Nghĩ lại, giai đoạn đó, tôi còn được an ủi vì cả nhà mỗi người một việc tập trung lo cho tôi.
- Điều gì là khó khăn nhất đối với chị quãng thời gian đó?
- Mất tiền, mất thời gian, sức khỏe giảm sút chưa phải là mất mát lớn nhất. Bác sĩ bảo rằng, bệnh này cơ hội có thai rất thấp. Trong khi đó, con tôi vẫn mong có một đứa em. Vợ chồng tôi cũng luôn hy vọng nhà đông vui, có thêm bé nữa.
- Cuộc sống của chị trước và sau khi mắc bệnh đã thay đổi thế nào?
- Trước khi bệnh, tôi vô tư lắm, không nghĩ mình còn trẻ vậy mà cũng có thể mắc ung thư. Tôi cũng không biết là ung thư cổ tử cung có vắcxin để phòng ngừa. Đến lúc bệnh, tôi bắt đầu tìm hiểu thì mới biết, ung thư cổ tử cung có thể xảy ra ở bất cứ độ tuổi nào và trên thế giới, nhiều chị em phụ nữ đã tiêm phòng bệnh.
Sau tất cả, tôi thấy mình vẫn còn may mắn vì phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, lại được bác sĩ giỏi tận tình điều trị nên đã khỏi. Bây giờ, tôi biết lo hơn cho sức khỏe, nghỉ ngơi điều độ, ăn uống hợp vệ sinh như nấu ở nhà, hạn chế dùng thức ăn ngoài hàng quán, các món chiên xào... Tôi còn đi khám sức khỏe định kỳ, 6 tháng hoặc mỗi năm một lần. Khi trò chuyện với bạn bè, người thân, đồng nghiệp, các bạn gái trẻ, tôi luôn khuyên họ hãy nhìn vào tôi mà đừng lơ là sức khỏe.
- Cụ thể, chị sẽ khuyên các bạn gái trẻ như thế nào?
- Tôi sẽ nói với các bạn: tôi ước mình có thể quay về thời trẻ, lúc tôi còn khỏe, khoảng hai mươi tuổi. Quay lại khoảng thời gian đó, tôi nhất định sẽ chịu khó tìm hiểu thông tin về sức khỏe, tiêm vắcxin ngừa ung thư cổ tử cung và đi khám phụ khoa định kỳ. Bây giờ, tôi đã quá tuổi tiêm vắcxin, cũng đã mắc bệnh nên chỉ biết cố gắng để con gái tôi được tiêm vắcxin phòng ngừa ngay khi đủ tuổi.
Các bạn hãy nhìn vào trường hợp của tôi mà chủ động phòng tránh căn bệnh này.
* Tên nhân vật đã được thay đổi.
Kim Uyên
Theo thống kê của Tổ chức Ung thư Toàn cầu Globocan 2018, ung thư cổ tử cung là một trong 10 loại ung thư có số ca mắc mới và tử vong hàng đầu Việt Nam. Nguyên nhân chính gây bệnh là virus HPV. 80% phụ nữ có nguy cơ nhiễm HPV ít nhất một lần trong đời, tỷ lệ nhiễm cao nhất xảy ra ở độ tuổi 20-30, có thể lên đến 20-25%. Mỗi năm, Việt Nam có gần 2.500 phụ nữ tử vong do bệnh này. Bệnh nhân bị suy giảm sức khỏe, có nguy cơ vô sinh, thêm gánh nặng về tài chính, ảnh hưởng đến tâm lý và hạnh phúc gia đình. Tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ, tiêm vắcxin ngừa HPV góp phần ngăn ngừa căn bệnh này.
Bài viết nằm trong chương trình truyền thông cộng đồng của Hội Y học Dự phòng Việt Nam, được tài trợ bởi Công ty Merck Sharp & Dohme (MSD) vì mục đích giáo dục. Xem thêm thông tin về bệnh, cách phòng ngừa tại Fanpage HPV Việt Nam facebook.com/hpvvietnam hoặc website www.hpv.vn/vi.