Quê gốc Trảng Bàng (Tây Ninh), nhưng như những người nhập cư Sài Gòn, Trương Gia Hòa xem mảnh đất này là quê hương thứ hai, vùng đất không phải chỉ để mưu sinh mà còn là nơi của mái ấm gia đình, của công việc viết lách chị yêu thích. Sài Gòn hiện lên trong trang viết của nữ tác giả với câu chữ đậm chất nữ tính, với câu chuyện kể về nếp sống gia đình, việc nhà cửa, bếp núc, chăm dạy con cái, công việc thường nhật.

Bìa sách "Đêm nay con có mơ không?".
Trong từng bài viết, có lúc tác giả xưng là bạn, là mình, lúc là chị, là tôi như thể trò chuyện, tâm tình cùng người đọc. Sách đầy ắp hơi thở mênh mang, bồi hồi của một tâm hồn người Sài Gòn luôn có góc quê nhà để nhớ. Sống ở thành phố năng động, chị không dễ thoát ra khỏi miền ký ức về vùng quê, ký ức thơ ngây của lứa tuổi hoa niên.
"Hồi mới đặt chân đến Sài Gòn, mười bảy tuổi, tôi nhớ nhà lắm. Nhớ món cơm mẹ, nhớ những gì chân chất quê nhà. Có khi buồn quá, nhớ quá, tôi nằm khóc một mình ngon lành", Gia Hòa kể. Vì vậy, trang sách như chiếc hộp ký ức, để khi lần giở, chị được sống lại thời bà nội kể chuyện đời xưa trong tiếng võng kẽo kẹt, tiếng quạt lá buông xua muỗi, cùng "những chiều ra đồng thả diều cùng ông và tiếc 'đứt ruột' khi con diều đứt dây rơi xuống cánh đồng bên kia sông"...

Tác giả Trương Gia Hòa, sinh năm 1975, tốt nghiệp Khoa Ngữ văn - Báo chí Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP HCM. Chị còn tác phẩm đã xuất bản là "Sóng sánh mẹ và anh" (NXB Văn Nghệ - 2005).
Ngày 5/8, Trương Gia hòa có buổi giao lưu chủ đề "Sài Gòn của người tha hương" tại Đường sách Nguyễn Văn Bình. Tham gia buổi trò chuyện cùng chị là nhà báo Ngữ Yên (đến từ Khánh Hòa), tác giả tập sách về ẩm thực Sài Gòn, ồ bỗng ngon ghê và Sài Gòn chở cơm đi ăn phở. Bên cạnh trang viết của Gia Hòa, Ngữ Yên tìm thấy ở Sài Gòn một không gian văn hóa đa dạng qua ẩm thực.
>> Xem thêm:
Ẩm thực Sài Gòn qua trang viết của Ngữ Yên
Hữu Nam