Sáng 29/6/1873, theo chỉ dẫn của đại thần Tổng lý nha môn (cơ quan giải quyết vấn đề ngoại giao thời Thanh, Trung Quốc), các quan chức ngoại giao của Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Đức đến Tây Uyển (nay là Trung Nam Hải) diện kiến vua Đồng Trị (1856-1875). Theo Huanqiu, họ vừa hồi hộp vừa có chút đắc ý trước khoảnh khắc đặc biệt.
Nhiếp ảnh gia người Anh Thomas Child lưu lại tư liệu về cuộc gặp. Bức ảnh này không còn tồn tại, chỉ còn bản sao chụp. Dù vậy, tác phẩm mang ý nghĩa lớn về thời kỳ lịch sử.
Nhà Thanh luôn tự coi là "thiên triều", sứ thần nước ngoài đến diện kiến đều phải quỳ lạy trước nhà vua. Nhưng cuối thời Thanh, sức mạnh triều đình suy yếu, người phương Tây bắt đầu thách thức lễ nghĩa truyền thống của triều đình. Riêng chuyện quỳ lạy trở thành vấn đề đau đầu chưa từng có. Điều này cũng trở thành khúc mắc khó gỡ thời gian dài trong ngoại giao Trung Quốc bấy giờ.
Theo Wang Yuanchong, giảng viên khoa Lịch sử, Đại học Delaware, Mỹ, thế kỷ 18, không ít đoàn công tác nước ngoài tới Trung Quốc đàm phán vấn đề thương mại, chấp nhận quy định khấu đầu trước vua. Tuy nhiên dần dần, nghi thức này bị lung lay. Mâu thuẫn "quỳ hay không quỳ" giữa Trung Quốc và nước ngoài kéo dài từ thế kỷ 18 đến 19.
Năm 1858, Hiệp ước Thiên Tân được ký kết, do thất thế trong cuộc chiến tranh Nha phiến, nhà Thanh bắt buộc chấp nhận nhiều điều khoản, trong đó có điều khoản đại sứ phương Tây không cần quỳ lạy khi gặp hoàng đế. Nhưng vua Hàm Phong qua đời, Đồng Trị kế vị khi năm tuổi. Lấy lý do Đồng Trị còn bé, nhà Thanh từ chối tiếp quan chức ngoại giao phương Tây.
Năm 1873, khi đủ 18 tuổi, Đồng Trị chính thức tiếp quản triều chính. Các nước Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Đức liên tục yêu cầu hội kiến hoàng đế. Lúc này, triều đình không còn đủ lý do để từ chối.
Hai bên tiếp tục cuộc đấu "quỳ hay không quỳ". Nhà Thanh kiên quyết ý kiến sứ thần không quỳ là mạo phạm truyền thống tổ tiên, hoàng đế Trung Quốc là "Thiên tử". Các quan chức ngoại giao chỉ đồng cấp với đại thần Trung Quốc, đương nhiên phải quỳ. Còn các nước phương Tây lại chủ trương chào hỏi theo nghi lễ ngoại giao phương Tây.
Đồng thời, triều đình cũng nảy sinh mâu thuẫn. Một số đại thần, đặc biệt là những người thường làm việc với nước ngoài, đề nghị sửa đổi quy định truyền thống trong nghi lễ Trung Quốc. Đại thần tên Tả Tông Đường công khai tán thành nghi thức ngoại giao như của phương Tây.
Trước các áp lực về quân sự, chính trị, triều đình buộc phải thỏa hiệp. Quan chức ngoại giao không cần quỳ lạy, chỉ cần cúi người trước nhà vua. Khi hội kiến, các quan chức lần lượt cúi người ba lần chào hoàng đế, sau đó tận tay đưa thư ngoại giao cho nhà vua.
Đối với các nước phương Tây, sự kiện đánh dấu thắng lợi ngoại giao chưa từng có đồng thời là bước ngoặt lớn trong quan hệ ngoại giao của Trung Quốc thời cận đại. Thậm chí giới nghiên cứu cho rằng đây là biểu tượng của sự sụp đổ của "ngọn núi tuyết lễ nghi truyền thống thời phong kiến Trung Quốc".
Nghinh Xuân (theo The Paper, Huanqiu)